Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ

Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ

Với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, thời gian qua, ngành y tế Thủ đô đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh (KCB), cùng với thay đổi phong cách phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Những ngày gần đây, đến khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, thay vì phải xếp hàng lấy số thứ tự như trước đây, ông Nguyễn Văn Trường (phường Bồ Đề, quận Long Biên) chỉ mất 3 giây để quẹt thẻ, sau đó được nhân viên hướng dẫn lên phòng khám gặp bác sĩ. Ông Trường cho biết, khi bước chân vào cửa đã thấy nhân viên tiếp đón niềm nở, hỏi han cẩn thận rồi hướng dẫn làm thủ tục khám bệnh. Ở Bệnh viện đa khoa Đức Giang, người bệnh không phải chờ lấy kết quả ở các phòng chụp, chiếu, xét nghiệm, mà kết quả được trả về nơi khám bệnh ban đầu, tạo thuận lợi cho bệnh nhân. Từ khi chuyển bảo hiểm y tế (BHYT) về bệnh viện này, ông Trường rất hài lòng về cơ sở vật chất, chất lượng KCB, nhất là thái độ của nhân viên y tế và các thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tốt. Giám đốc bệnh viện Nguyễn Văn Thường cho biết, Bệnh viện đa khoa Đức Giang là đơn vị y tế đầu tiên của Hà Nội hướng dẫn người bệnh sử dụng thẻ từ thông minh khi KCB. Nhờ đó, người bệnh tiết kiệm nhiều thời gian chờ đợi, hạn chế những thủ tục phiền hà.

Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, với phương châm “Trao nhận niềm tin, khơi thêm nguồn hạnh phúc”, những năm qua, bệnh viện đã nỗ lực thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng KCB, nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh. PGS,TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc bệnh viện cho biết, hiện bệnh viện có 750 giường bệnh. Trung bình mỗi năm, bệnh viện tổ chức khám, điều trị bệnh cho khoảng hơn 800 nghìn lượt người, trong đó có hơn 88 nghìn lượt bệnh nhân điều trị nội trú, hơn 40 nghìn ca đẻ, hơn 28 nghìn ca phẫu thuật. Trong sáu tháng đầu năm 2019, bệnh viện đã KCB cho hơn 120 nghìn ca ngoại trú; hơn 36 nghìn ca nội trú.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, từ trước tới nay, cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội luôn phát huy tốt phong cách giao tiếp ứng xử, luôn mang đến sự hài lòng của người bệnh. Điển hình, để công tác KCB được thuận lợi, bệnh viện đã bố trí bộ phận đón tiếp người bệnh ngay tại cửa Khoa Khám bệnh. Khi đến bệnh viện, người bệnh sẽ được tổ chăm sóc khách hàng tiếp đón, hướng dẫn các bước theo quy trình khám bệnh và giúp người bệnh hoàn thiện các thủ tục hành chính với thái độ niềm nở, tận tình và chu đáo. Thời gian chờ đợi khám bệnh, các thủ tục nhập, xuất viện từng bước được bệnh viện cải cách hành chính theo hướng nhanh gọn, thuận tiện. Hiện nay, bệnh viện đã triển khai dịch vụ đặt lịch khám bệnh qua điện thoại và đang tiến tới thực hiện bệnh án điện tử để thuận tiện nhất cho người bệnh, cũng như khâu quản lý. “Theo kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện do Sở Y tế thực hiện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đạt 4,35 điểm trên thang điểm 5, theo 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam” - TS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.

Với phương châm “Lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ”, hiện hầu hết các bệnh viện trong ngành y tế Hà Nội đã thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng đón tiếp, chỉ dẫn, hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh, gia đình người bệnh khi đến bệnh viện. Các bệnh viện: Ung bướu Hà Nội, đa khoa Hà Đông, Xanh Pôn, Thanh Nhàn… mở thêm các bàn khám bệnh, mở thêm các ô tiếp đón và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh. Bố trí khu vực ngồi chờ tiện nghi, đầy đủ ghế ngồi, bảo đảm an ninh, trật tự tại Khoa Khám bệnh. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin đã giúp cho công tác KCB, thanh toán viện phí và nhận thuốc ở kho được nhanh chóng, tiện cho việc theo dõi bệnh và nâng cao chất lượng KCB. Nhờ đó, quy trình KCB được rút ngắn đáng kể.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, những đổi thay nêu trên là rất cần thiết, nhưng chưa đủ, mà quan trọng là y đức người thầy thuốc. “Dù cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế được con người. Người thầy thuốc không chỉ khám bệnh bằng trình độ, năng lực chuyên môn, mà bằng cả tấm lòng, trách nhiệm với người bệnh”. Thực hiện tốt những vấn đề về y đức và y nghiệp, cả bệnh nhân và bệnh viện đều có lợi. Bởi bệnh nhân không chỉ cần chữa bệnh bằng thuốc, mà còn cần được chia sẻ, động viên từ người thầy thuốc. Ông Hiền nhấn mạnh, “Mỗi bác sĩ phải biết cảm ơn người bệnh, bởi người bệnh đã cho mình cơ hội phát triển chuyên môn, gắn bó với nghề”.

Nguồn: 

https://www.nhandan.com.vn/hanoi/tin-moi-nhan/item/41851602-lay-nguoi-benh-lam-trung-tam-phuc-vu.html

Tổ Truyền thông