Theo BS Trần Văn Cường, Trưởng khoa Gây mê hồi sức (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), mổ lấy thai có rất nhiều phương pháp vô cảm, như gây mê toàn thân, gây tê tủy sống (TTS), gây tê ngoài màng cứng (NMC) thậm chí phối hợp cả hai phương pháp (CSE). Vậy các phương pháp trên có những ưu nhược điểm gì, phương pháp nào là tốt nhất?
Trường hợp thực hiện phương pháp tê ngoài màng cứng, bác sĩ gây mê sẽ bơm một lượng thuốc tê vừa đủ qua catheter ở vị trí thắt lưng sản phụ. Thuốc tê phát huy tác dụng làm sản phụ mất cảm giác vùng phẫu thuật có thể giảm vận động nửa thân dưới, sản phụ cũng tỉnh táo trong khi được phẫu thuật. Tê NMC là phương pháp ít được dùng hơn TTS, thường áp dụng cho những trường hợp đã giảm đau trong đẻ, song vì các lý do thai phụ không sinh thường được phải chuyển mổ.
Ưu điểm của phương pháp này là giảm đau tốt sau mổ trong vòng 48h, giúp mẹ nhanh hồi phục và thực hiện “da kề da” dễ dàng. Tuy nhiên, thời gian mổ sẽ kéo dài từ 10 đến 15 phút, kỹ thuật gây tê phức tạp hơn.
Với phương pháp gây mê toàn thân sẽ gây ra tình trạng mất ý thức và cảm giác hoàn toàn, sản phụ được thở bằng máy qua ống nội khí quản. Bác sĩ gây mê sẽ theo dõi các dấu hiệu quan trọng của sản phụ, duy trì trạng thái mê và giúp sản phụ thức tỉnh khi cuộc mổ kết thúc.
Ưu điểm của phương pháp này là có thể lấy thai nhanh trong trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, nguy cơ trào ngược có thể xảy ra ở các trường hợp mê toàn thể do sự giãn các cơ đường tiêu hóa. Hơn nữa, việc đặt nội khí quản cho sản phụ khó khăn do thay đổi giải phẫu trong quá trình mang thai dẫn đến nguy cơ suy hô hấp; sản phụ thường đau ngay khi thức tỉnh…
BS Cường cũng cho biết, không có phương pháp nào tốt nhất đối với mọi sản phụ mà chỉ có phương pháp thích hợp với từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, trước khi mổ, bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng của thai phụ để đưa ra phương pháp mổ tốt nhất.
Với phương pháp gây tê tủy sống, bác sĩ gây mê sẽ tiêm một lượng thuốc tê vừa đủ vào khoang dưới nhện ở vị trí thắt lưng sản phụ. Thuốc tê nhanh chóng tác dụng làm sản phụ mất cảm giác và vận động nửa thân dưới, sản phụ hoàn toàn tỉnh táo trong suốt cuộc mổ.
Ưu điểm của phương pháp này là kỹ thuật dễ thực hiện, thời gian chờ mổ ngắn, giảm đau tốt trong vòng 4h đầu sau mổ, mẹ mau hồi phục, mẹ tỉnh táo giúp việc tiến hành da kề da thuận lợi, con khỏe, không ảnh hưởng thuốc gây tê. Tuy nhiên, do thay đổi huyết động đột ngột, sau TTS gây ra hạ huyết áp, mạch chậm, khi đó, bác sĩ gây mê sẽ dùng thuốc để khắc phục tình trạng này.
Nguồn: http://alobacsi.com/lua-chon-phuong-phap-vo-cam-nao-tot-nhat-cho-san-phu-n404903.html
Tổ Truyền thông