Đáp: Bệnh sốt xuất huyết Dengue ở phụ nữ có thai có thể gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con. Do đó, mẹ bầu mắc sốt xuất huyết nên nhập viện ngay, nhất là khi có các biểu hiện như vật vã hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt, tiểu ít, xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu, ra máu âm đạo bất thường).
Không có bằng chứng khoa học về sự truyền vi rút Dengue từ mẹ sang con khi còn trong bào thai. Trong lúc chuyển dạ, nếu mẹ bị sốt xuất huyết Dengue thì có thể em bé sẽ bị sốt, rất khó để điều trị.
Với phụ nữ có thai, hệ miễn dịch kém hơn nên họ thuộc nhóm đối tượng được khuyến cáo là dễ chịu tác động của bệnh cúm mùa, dễ bị biến chứng viêm phổi hơn người thường. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nếu thai phụ mắc cúm - trong đó có các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C - thì thai có nguy cơ dị dạng với các biểu hiện như sứt môi, hở hàm ếch, bị dị tật tim bẩm sinh. Thậm chí, những thai phụ ở giai đoạn 3 tháng cuối kỳ mà mắc cúm thì dễ bị đẻ non, sảy thai, thai lưu.
Khi bị cúm A hay sốt xuất huyết, bà bầu tuyệt đối không tự truyền dịch nếu không có chỉ định của bác sĩ; không dùng các thuốc hạ sốt khác paracetamol (nếu dùng thì phải hỏi bác sĩ). Mẹ bầu cũng cần được theo dõi ở các khoa cấp cứu hoặc khoa lây, có sự kết hợp chuyên môn của bác sĩ sản khoa. Khi chuyển dạ mà sản phụ mắc sốt xuất huyết, cúm A thì rất nguy hiểm, có nguy cơ bị băng huyết sau sinh và có thể tử vong.
Bác sĩ Lê Thị Hiếu
Khoa Khám tự nguyện I, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội
Nguồn:
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1039763/bac-si-tai-nha-mac-benh-truyen-nhiem-trong-thai-ky-nguy-hiem-ra-sao
Bá Thành - Tổ Truyền thông