Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Mắc ung thư cổ tử cung có thể sinh con?

Mắc ung thư cổ tử cung có thể sinh con?

Phẫu thuật sau khi phát hiện mắc ung thư cổ tử cung, có thể sinh con được nữa không?

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết bệnh nhân nữ tên N.K.H. 24 tuổi, từ Nha Trang vào TP.HCM với hi vọng điều trị ung thư.

Hai vợ chồng vừa kết hôn. Cô gái mỗi lần quan hệ tình dục bị đau và ra máu bất thường. Trước đó cô nghĩ chỉ là viêm phụ khoa thông thường nhưng kết quả như “sét đánh ngang tai”, H. bị ung thư cổ tử cung.

Là người từng học đại học, có kiến thức về sức khoẻ nên khi biết bị ung thư cổ tử cung, H. như trầm cảm vì cô biết bệnh này sẽ chấm dứt ước mơ làm mẹ dù điều trị ổn định. Cô đến khám với tâm trạng buồn chán, luôn nghĩ bi quan. Khi bác sĩ tư vấn hỏi “Cháu muốn có con nữa không?”.

Ánh mắt của H. sáng lên, mọi suy nghĩ trầm uất dường như tan biến hết. H hỏi thật kỹ cô còn cơ hội không. Bác sĩ tư vấn việc điều trị phẫu thuật bảo tồn tử cung nếu thành công thì cô hoàn toàn có thể mang thai. Bác sĩ phẫu thuật theo kỹ thuật khoét chóp cổ tử cung rộng và phẫu thuật nội soi nạo hạch chậu. 

Khi mổ cho H. bác sĩ cho biết may mắn các kết quả sinh thiết tức thì của bệnh nhân đều tốt, chưa có di căn hạch. Việc cắt khoét chóp cổ tử cung an toàn đã loại bỏ gần như hoàn toàn tế bào ung thư ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Với việc phẫu thuật thành công này, cô vợ trẻ hoàn toàn có thể mang thai trong 1, 2 năm tới.

Bác sĩ Tiến và ekip chuẩn bị ca mổ cho bệnh nhân.

Bác sĩ Tiến cho rằng ngày càng có quá nhiều bệnh nhân ung thư cổ tử cung còn trẻ, chưa từng sinh con tìm tới bác sĩ khám và tư vấn. Theo BS Tiến ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể tầm soát dự phòng sớm bằng việc khám phụ khoa cộng với tiêm vắc xin phòng virus HPV.

Các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung có thể xuất hiện ở các bạn nữ trẻ tuổi mà không có bất kỳ triệu chứng gì, chỉ phát hiện được qua sàng lọc định kỳ. Nếu phát hiện sớm ở giai đoạn tiền ung thư, bệnh nhân điều trị bằng các phương pháp hiện đại, chi phí hợp lý, tỷ lệ được điều trị khỏi là 100% mà vẫn bảo tồn được chức năng sinh sản.

Theo ThS. BSCKII. Nguyễn Thị Minh Thanh – Trưởng khoa Khám Chuyên gia - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, việc tầm soát ung thư được thực hiện cho phụ nữ từ độ tuổi 21 trở lên, khi đã có quan hệ tình dục. Độ tuổi mắc phổ biến nhất là từ 35 - 44 tuổi.
Tần suất thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung tùy thuộc vào loại xét nghiệm bạn chọn, đa số định kỳ từ 1 - 3 năm/lần.

Bác sĩ Thanh cho rằng sàng lọc, chẩn đoán phát hiện ra các tế bào bất thường trước khi chúng trở thành tế bào ung thư giúp tăng tỷ lệ điều trị bệnh thành công lên tới 80 - 90%. Càng phát hiện ở giai đoạn muộn hoặc bỏ lỡ thời điểm vàng của quá trình điều trị, các tế bào bất thường phát triển mạnh hơn, hiệu quả điều trị sẽ giảm dần. 

Quy trình thực hiện xét nghiệm thường diễn ra rất nhanh gọn và đơn giản, thường chỉ mất tầm vài phút. Chị em nên thực hiện tầm soát sau khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc khoảng 3 - 5 ngày. Đối với các trường hợp âm đạo bị viêm nhiễm, nên điều trị trước khi làm xét nghiệm.

Nguồn:

https://infonet.vietnamnet.vn/vua-ket-hon-co-gai-tre-chet-dung-vi-mac-ung-thu-5005123.html

Bá Thành - Tổ Truyền thông