Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Nghe bác sĩ sản khoa kể chuyện trực Tết

Nghe bác sĩ sản khoa kể chuyện trực Tết

Với những người làm nghề y, đặc biệt là y, bác sĩ khoa Sản, chuyện trực Tết, đón Giao thừa ở bệnh viện không chỉ là một phần công việc, mà còn là niềm vui, niềm hạnh phúc bởi họ là người được đón những công dân đầu tiên của năm mới.

Đêm Giao thừa, bệnh nhân, bác sĩ như người thân
Thời khắc Giao thừa thường là lúc mọi gia đình sum họp, quây quần bên nhau, thắp nén hương cho ông bà, tổ tiên hoặc đi hái lộc, ngắm pháo hoa. Nhưng với bác sĩ sản khoa của bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đôi khi điều đó là… xa xỉ. Bởi vào thời khắc thiêng liêng ấy họ đang túc trực tại bệnh viện, căng mình với những ca hộ sinh, giúp gia đình sản phụ “mẹ tròn, con vuông”, đón năm mới trong niềm vui trọn vẹn.

Tại khoa Sản, nhiều gia đình có tâm lý sinh con trước đêm 30 hoặc sau Giao thừa để hợp tuổi, nên lượng sản phụ đến bệnh viện không hề ít. Bởi vậy, “dù là ngày Tết, bệnh viện cũng duy trì kíp trực gồm 11 bác sĩ ở cả phòng khám cấp cứu, khoa sinh thường, sinh dịch vụ. Mỗi khoa ít nhất 3 - 4 y tá trực, riêng khoa đẻ thường và D3 luôn có 8 y tá trực bất kể bệnh nhân ít hay nhiều, để đảm bảo xử lý tốt mọi sự cố xảy ra nếu có” - Ths.Bs Nguyễn Phương Trà, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp, bộ phận Ung thư phụ khoa (bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết.
Tới nay, Ths.Bs Nguyễn Phương Trà đã có 13 năm công tác trong nghề y, 3 năm trực tiếp, đón Giao thừa tại bệnh viện. Với Bs Trà, mỗi dịp như vậy đều có những kỷ niệm khó quên và nhiều cảm xúc vui buồn đan xen. Có năm trực, chị tham gia mổ đẻ cho một ca bệnh khó. Đặc biệt ở chỗ, máu cuống rốn của em bé ngay sau đó đã được lấy, lưu trữ để phục vụ việc cứu chữa căn bệnh ung thư quái ác cho chính anh/chị ruột của em. Vừa chào mừng một sinh linh bé bỏng chào đời, chị và đồng nghiệp lại góp phần cứu sống 2 đứa trẻ khác. “Niềm vui sướng, hạnh phúc ấy vì thế càng trở nên ý nghĩa, nhất là trong giờ phút chào đón năm mới”.
Trực Tết, đón Giao thừa ở bệnh viện cũng là một phần thiệt thòi, nhưng không vì thế các bác sĩ khoa Sản thấy buồn, bởi ở đây, bác sĩ và bệnh nhân không hề có khoảng cách. Nhất là dịp Tết, mọi người xem nhau như người thân trong gia đình. Tất cả quây quần trò chuyện, cùng nhau đón Giao thừa, gửi tới nhau những lời chúc mừng năm mới, cùng ăn kẹo, xem pháo hoa, nhận lì xì của Ban giám đốc bệnh viện.
Làm mọi việc để người bệnh vui
Với các y, bác sĩ, niềm vui của người bệnh cũng chính là niềm hạnh phúc của họ. Nếu người bệnh buồn, bác sĩ hẳn không thể vui. Thời điểm trực Tết, bên cạnh những niềm vui vỡ òa khi đón một đứa trẻ chào đời; cũng có những trường hợp khiến các bác sĩ trăn trở.

Bác sĩ Nguyễn Phương Trà chăm sóc cho thai phụ tại bệnh viện (Ảnh: Chí Hiếu)
Nhớ lại lần trực Tết năm 2015, Bs Trà kể: “Vào 23h45 phút ngày 30 Tết, tôi cùng các y tá thực hiện ca đỡ đẻ cho một sản phụ sống ở vùng ngoại thành Hà Nội. Sản phụ không quá khó khăn về vật chất, nhưng thiếu thốn vô cùng về mặt tinh thần. Gia đình chồng nặng nề chuyện phải sinh con trai, nên khi biết đứa con thứ 4 sản phụ sinh lần này là con gái, họ để chị một mình vượt cạn. Người thân duy nhất đi cùng để chăm sóc chị ấy hôm đó là con gái lớn mới gần 14 tuổi. Lúc đầu, sản phụ nhìn con gái mới sinh với ánh mắt gần như vô cảm. Nhưng rồi bản năng người mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng trỗi dậy, chị lại ôm đứa con vào lòng, thủ thỉ rằng rất thương con gái, “lẽ ra con không nên đầu thai vào gia đình không cần con như gia đình này”. Điều đó khiến bác sĩ chúng tôi xót xa vô cùng”.
Thay vì rời đi, để sản phụ cho gia đình chăm sóc, hôm ấy, Bs Trà đã ở lại bên cạnh, chia sẻ cùng chị. Sau này, chính Bs Trà còn đề nghị đổi tên bé gái và mẹ cháu bé đã đồng ý đặt lại tên cho cháu là Ngọc Linh, với niềm tin sau này lớn lên cô bé không chỉ xinh đẹp mà còn ngoan ngoãn, giỏi giang. Trong suốt mấy ngày Tết sản phụ nằm viện, các y, bác sĩ cũng tự nguyện hỗ trợ, chăm sóc chu đáo cho 2 mẹ con chị. Ban giám đốc bệnh viện ưu ái dành tặng chị nhiều phần quà hơn để thay lời động viên.
“Quả thật, với mỗi y, bác sĩ sản khoa, chứng kiến và đón một em bé ra đời, nhìn thấy bố mẹ, người thân của bé hạnh phúc là điều gì đó thiêng liêng và đặc biệt vô cùng. Nhưng đặc biệt hơn khi các bác sĩ có thể truyền cho bệnh nhân nghị lực để họ thêm yêu, thêm tin vào cuộc sống tốt đẹp. Và trong khoảnh khắc Giao thừa, ngày Tết, cảm xúc ấy ấy lại được nhân lên gấp bội” - Bs. Trà bày tỏ.
Trực Tết là mong muốn của nhiều bác sĩ
Vốn sinh ra trong gia đình có mẹ là y tá bệnh viện Nhi, từ nhỏ, Bs Trà đã được theo mẹ đi làm, đi trực và môi trường bệnh viện cũng trở thành thân quen. Vậy mà thời sinh viên đi trực, vẫn có lúc Bs Trà cảm thấy mệt mỏi, khó khăn và có chút chạnh lòng khi nghĩ tới việc mọi người được nghỉ ngơi, còn mình phải thức trực. Nhất là những lúc con ốm, sốt mà không được ở cạnh chăm con, người làm mẹ như chị luôn thấy căng thẳng, nao nao khó tả.
Vì sinh sống ở Hà Nội nên BS Trà thường nhận trực ngày lễ, Tết, dịp cao điểm… để các đồng nghiệp ở xa được về quê, sum tụ bên gia đình. Dần dần, trực nhiều thành quen, việc ở lại bệnh viện cùng các sản phụ vào đêm Giao thừa, ngày Tết cũng trở thành niềm vui mà đôi khi thiếu lại thấy nhớ. “Bây giờ, ngoài công việc chuyên môn, mình còn đảm nhận nhiệm vụ phân công lịch trực cho các y, bác sĩ trong khoa. Rất nhiều người đã tình nguyện, thậm chí xin ở lại trực Tết để được trải nghiệm những cảm xúc, niềm vui đặc biệt chỉ khoa Sản mới có”.
Dù các bác sĩ khoa Sản khi trực Giao thừa vẫn phải tất bật với các ca sinh thường, sinh mổ, làm bệnh án, thực hiện thủ thuật… Sáng Mồng 1 về nhà ai nấy mệt nhừ, nhưng đều thấy rất vui, và hạnh phúc vì được đi qua giờ khắc chuyển giao năm cũ, năm mới với những tiếng khóc chào đời của con trẻ; hòa chung niềm vui “mẹ tròn, con vuông” của bao sản phụ và gia đình; được sát cánh chung vai cùng đồng nghiệp. “Đó là niềm hạnh phúc mà không phải nghề nghiệp nào cũng có được. Tất cả những điều ấy đã giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn, yêu nghề hơn và gắn bó hơn với nghề mình đã chọn” - Ths.Bs Nguyễn Phương Trà chia sẻ.

 

Nguồn: http://baophunuthudo.vn/article/82123/175/nghe-bac-si-san-khoa-ke-chuyen-truc-tet

Thu Linh - Tổ Truyền thông