Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Nhăm nhăm thử thai - nỗi khốn khổ của chị em tuổi 40

Nhăm nhăm thử thai - nỗi khốn khổ của chị em tuổi 40

Người phụ nữ mới bước vào tuổi 40 lo sợ không biết mình mắc bệnh gì mà “mấy ngày lại thấy ra kinh nguyệt”. Trong khi rất nhiều người mãi chẳng thấy có kinh. Họ ngỡ “dính bầu” nên suốt ngày đi mua que thử thai....

Giai đoạn khủng hoảng

Chia sẻ với phóng viên, TS. BS Lê Thị Anh Đào, trưởng khoa Phụ ngoại, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, tuổi tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển giao nối tiếp giữa thanh xuân và thời mãn kinh. Thông thường bắt đầu từ tuổi 40 đến khoảng 49 tuổi.

Sau tuổi 40 nội tiết tố của người phụ nữ giảm nhanh. Thông thường nội tiết tố nữ - estrogen do nang noãn của buồng trứng tiết ra, khi phụ nữ tuổi 35 - 40 nội tiết nữ bắt đầu giảm nhưng sang tuổi 40 thì giảm rất nhanh với tốc độ từ 5-10%/năm và đến thời kỳ mãn kinh thì lượng nội tiết tố chỉ còn 10% so với tuổi 20.

“Nỗi ám ảnh nhất của chị em ở giai đoạn TMK là giảm nội tiết tố. Vì giảm nội tiết tố (estrogen) này dẫn tới rất nhiều rối loạn thậm chí dẫn tới những bệnh lý mà bất kỳ chị em nào cũng phải đối mặt”, TS. BS Anh Đào nêu.

Theo đó, biểu hiện hay gặp nhất đối với chị em ở tuổi này là bốc hoả, khó ngủ, khó ngủ sâu thậm chí mất ngủ. Đây là những biểu hiện điển hình của chị em tuổi TMK. TS. BS Anh Đào cho biết, tình trạng bốc hoả thường xảy ra vào ban đêm kèm theo vã mồ hôi. Mức độ, tình trạng bốc hoả nặng hay nhẹ tuỳ theo từng người, có người rất nặng nề.

Nguyên nhân của tình trạng này là do rối loạn vận mạch, các mạch ngoại vi giãn đột ngột làm cho lượng máu dồn tới làm nhiệt độ ngoài da tăng lên 10- 15 độ. Tình trạng này chỉ diễn ra trong vài ba phút khi vã mồ hôi thì cơn bốc hoả hết.

Biểu hiện thứ hai, được TS. BS Anh Đào nêu ra đó là tình trạng rối loạn kinh nguyện của chị em tuổi TMK. Theo đó, có tới 50% phụ nữ tiền mãn kinh không có kinh nguyệt đều. Điều này khiến nhiều chị em rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

BS Anh Đào kể, có trường hợp bệnh nhân đến gặp chị với tâm trạng căng thẳng. Người phụ nữ mới bước vào tuổi 40 căng thẳng lo sợ không biết mình mắc bệnh gì mà “cứ mấy ngày lại thấy ra kinh nguyệt một lần”. Bệnh nhân than phiền với bác sĩ “suốt ngày phải đi mua băng vệ sinh mà không làm được việc gì”.

Trong khi đó, rất nhiều bệnh nhân mãi chẳng thấy có kinh. Họ ngỡ “dính bầu” nên suốt ngày đi mua que thử thai. “Có những người bạn của tôi, ngoài 40 tuổi khi con cái đã lớn, bỗng dưng tháng này thấy chậm kinh liền hớt hải gọi điện hỏi… liệu có bầu không?. Thậm chí họ còn nghĩ đến tình huống nếu có bầu thì sẽ làm gì. Tôi phải khuyên thử thai trước vì đó là những biểu hiện của độ tuổi TMK”, BS Anh Đào kể.

“Sợ” chồng

Đi kèm rối loạn kinh nguyệt, theo BS Anh Đào, phụ nữ tuổi TMK còn dễ gặp phải một số các bệnh lý phụ khoa như: u xơ tử cung, polyp niêm mạc tử cung, quá sản niêm mạc tử cung thậm chí nguy cơ ung thư cổ tử cung bắt đầu nhen nhóm xuất hiện..

Nguyên nhân là do ở giai đoạn này không có nhiều vòng kinh phóng noãn, không có progesterone nên lượng estrogen trong cơ thể trở nên tăng tương đối dẫn đến quá sản niêm mạc tử cung, u xơ tử cung, polyp…

Đặc biệt, phụ nữ TMK còn rất hay bị viêm nhiễm đường sinh dục. Nguyên nhân là do thiếu hụt nội tiết tố, giảm estrogen nên glycogen trong tế bào âm đạo không chuyển thành axit lactic, là hàng rào hóa học bảo vệ giúp môi trường âm đạo có pH axit tiêu diệt các vi khuẩn thông thường. Một nguyên nhân khác là do ở giai đoạn này, người phụ nữ thường ít tiết dịch âm đạo hơn thông thường do giảm nội tiết tố. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng “khô hạn” ở chị em.

Nhăm nhăm thử thai - nỗi khốn khổ của chị em tuổi 40
Nhăm nhăm thử thai, lai rai kinh nguyệt - nỗi khốn khổ chị em tuổi 40. (Ảnh minh họa).

“Đi kèm việc giảm nội tiết tố, chị em còn giảm ham muốn tình dục. Giai đoạn này, chị em vừa khô hạn, vừa dễ viêm lại không còn ham muốn tình dục dẫn tới vòng luẩn quẩn ít có nhu cầu, ngại quan hệ tình dục hay nói cách khác là “sợ chồng”. Điều này nhiều khi ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống”, TS. BS Anh Đào cho hay.

Không chỉ gặp những biểu hiện trên trong giai đoạn TMK, ở tuổi này chị em còn gặp rất nhiều rối loạn khác, trong đó kể đến bệnh tim mạch. BS Anh Đào cho biết, phụ nữ TMK dễ mắc các bệnh tim mạch hơn nam giới cùng tuổi. Nguyên nhân tử vong hàng đầu của phụ nữ mãn kinh là bệnh tim mạch chứ không phải là ung thư vú. Ngoài ra, ở độ tuổi này, phụ nữ có thể mắc các bệnh lý nguy hiểm khác như loãng xương, hoặc suy giảm trí nhớ.

Để vượt qua khủng hoảng TMK, các chuyên gia khuyến cáo, chị em cần xác định đây là quy luật của cuộc sống. Vì thế, thay vì buông xuôi hay quyết liệt không thừa nhận những thay đổi mang tính quy luật này, người phụ nữ khôn ngoan hãy học cách để đối diện và vượt qua khủng hoảng. Có như thế, người phụ nữ mới có thể nhanh chóng lấy lại sự lạc quan, yêu đời cùng những niềm vui trong cuộc sống.

“Bên cạnh sự lạc quan, yêu đời, chị em ở tuổi TMK cũng cần thay đổi chế độ ăn uống, tập luyện và bổ sung nội tiết tố nữ. Đặc biệt nếu có những biểu hiện bất thường về sức khoẻ (ra máu, viêm nhiễm âm đạo…) thì chị em cần đến bệnh viện chuyên khoa phụ sản để được thăm khám và điều trị kịp thời”, BS Anh Đào nêu. 

“Phụ nữ TMK do thiếu hụt nội tiết tố làm da xấu, độ đàn hồi của da kém, nhiều vết nám xuất hiện. Thiếu hụt thiếu estrogen cũng làm cho phụ nữ giảm tiêu hao năng lượng, giảm chuyển hoá…dễ dẫn đến tình trạng thừa cân và béo không đều. Vì vai trò của estrogen giúp phân bố mỡ chuẩn. Khi còn trẻ mỡ sẽ tập trung ở vòng 1, vòng 3 nhưng đến tuổi TMK thiếu estrogen sẽ khiến mỡ chỉ tập trung vào bụng và đùi (rất xấu). Do đó, thiếu estrogen ảnh hưởng rất nhiều đến sắc đẹp của chị em”, TS. BS Lê Thị Anh Đào nhấn mạnh.

Nguồn: 

https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/phu-nu-dep/nham-nham-thu-thai-lai-rai-kinh-nguyet-noi-khon-kho-chi-em-tuoi-40-tien-man-kinh-280941.html

https://baomoi.com/nham-nham-thu-thai-noi-khon-kho-cua-chi-em-tuoi-40/c/38431479.epi

https://vietgiaitri.com/nham-nham-thu-thai-noi-khon-kho-cua-chi-em-tuoi-40-20210406i5684281/

https://hit.vn/nham-nham-thu-thai-noi-khon-kho-cua-chi-em-tuoi-40-wsTJLPi4sxYDCr2MUeHQKS

Hà Trang - Tổ Truyền thông