Mỗi năm, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận và điều trị khoảng 3.500 trẻ sinh non thiếu tháng và lúc nào ở khoa sơ sinh cũng có khoảng 80 trẻ. Với 20 năm trong nghề, chị Phạm Thị Mỹ Thu – một trong những điều dưỡng có thâm niên chăm sóc trẻ sinh non thiếu tháng nhiều nhất ở khoa cho biết, chăm sóc trẻ có thể trạng yếu phải nuôi trong lồng ấp nên phải theo dõi trẻ sát sao từng giờ từng phút về nhịp tim, huyết áp, tiêu hóa, lượng bão hòa oxy trong máu… trong điều kiện ngặt nghèo về vệ sinh và y tế. “Miệng cháu bé này bị đùn bọt cua, đồng thời phát ra tiếng rên nhẹ, đó là dấu hiệu của những cơn khó thở đang tăng lên, vì vậy chúng tôi chuẩn bị máy để cho bạn thở qua máy mũi, hỗ trợ lượng oxy nhiều hơn” – Chị Thu vừa dùng khăn lau miệng cho một em bé nặng 1,6kg vừa cho biết.
Bác sĩ chỉ định mỗi trẻ uống 8 cữ sữa/ngày, nhưng mỗi cữ, trẻ chỉ uống được vài ml sữa nên các điều dưỡng cũng phải mất cả tiếng đồng hồ. Chị Hà Thị Lan Anh – Điều dưỡng ở phòng sau hồi sức cấp cứu chia sẻ, ở đây các chị ưu tiên cho các trẻ dùng sữa mẹ. Sau khi các mẹ vắt sữa gửi cho vào cho các cô sẽ được bảo quản và lưu trữ trong tủ đông, được khử trùng cẩn thận trước khi cho các trẻ uống. “Vì các cô ở đây cho các con ăn, ngủ và vệ sinh đúng giờ nên cứ đến giờ là các con như một cái máy, đồng loạt khóc, các cô cũng phải luôn tay luôn chân”.
Ths.BS Nguyễn Quỳnh Hương – Khoa Sơ sinh cho biết, trẻ sinh non khi mà các cơ quan trong cơ thể phát triển chưa hoàn thiện, bị nhiều bệnh lý cùng lúc nên việc điều trị và chăm sóc trẻ cần tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngay từ khi trẻ mới sinh thì nguyên tắc đầu tiên là giữ ấm bởi các lớp dưới da của trẻ rất mỏng không đủ năng lượng để giữ ấm như trẻ sinh đủ tháng. Hiện nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sử dụng phương pháp mới là trẻ sinh ra dưới 1,5kg thì cho vào túi plasstic để chống bốc hơi nước và bị mất nhiệt. Sau khi sơ cấp cứu ban đầu thì đưa vào lồng ấp để giữ ấm cho trẻ và môi trường vô khuẩn. Mỗi lồng ấp sẽ được cài đặt thông số phù hợp theo từng ngày. Sau khi được đưa ra khỏi lồng ấp, trẻ được đưa về với mẹ để triển khai kangaroo. Dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng để trẻ lớn, phát triển đuổi kịp trẻ đủ tháng khác. “Từ những ngày đầu tiên, chúng tôi luôn ưu tiên cho trẻ uống sữa mẹ. Đối với trẻ sinh non tháng trên 34 tuần, hơn 2000gr thì cho trẻ bú mẹ sớm, đưa vào khoa sản để trẻ nằm cùng mẹ. Đối với trẻ quá non tháng dưới 2000gr, có thể thời gian đầu phải nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch nhưng khi trẻ tiến bộ thì chúng tôi chuyển sang nuôi dưỡng bằng miệng. Trẻ ổn định thì đưa ra cho mẹ để tập đổ thìa”.
Cứ như vậy, các bé sẽ lớn lên từng ngày. Khi cân nặng, sức khỏe đã đạt chỉ số cho phép, có thể tự bú, tự thở, thích nghi với môi trường, các bé được trở về bên cha mẹ - đó cũng là giờ phút hạnh phúc nhất của các bác sĩ, điều dưỡng ở khoa sơ sinh, BV Phụ sản HN.
Mời quý vị theo dõi bài phát trên kênh VOV2 Đài tiếng nói Việt Nam
Thu Linh - Tổ Truyền thông