Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Những người thầm lặng vì bệnh nhân

Những người thầm lặng vì bệnh nhân

Nhắc đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh, người ta thường nghĩ ngay đến đội ngũ y, bác sĩ - những người trên tuyến đầu phòng, chống dịch và điều trị bệnh. Thế nhưng, phía sau thành công của y, bác sĩ là những hy sinh, đóng góp thầm lặng không thể thiếu của các điều dưỡng viên. Sự nỗ lực vượt khó, tận tâm chăm sóc người bệnh của lực lượng điều dưỡng đã góp phần tạo nên thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh và sự tin yêu của nhân dân với ngành Y tế.

Tận tâm với nghề

Điều dưỡng là một nghề chuyên biệt, công việc của trái tim. Trong sự phát triển của y học hiện nay, ngoài việc thực hiện theo y lệnh của bác sĩ, các điều dưỡng viên còn là người trực tiếp chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh. Họ thực hiện từ các kỹ thuật nghiệp vụ, cho đến chăm sóc tinh thần, nắm bắt tâm lý người bệnh… Có thể nói, chất lượng của một bệnh viện phụ thuộc rất nhiều vào thái độ, sự chuyên tâm và tận tụy của chính những người làm điều dưỡng.

Những người thầm lặng vì bệnh nhân
Chị Đỗ Thị Thủy (Phòng Điều dưỡng- Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) được biểu dương công nhân, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh giỏi ngành Y tế Thủ đô năm 2022.

Đặc biệt trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 vừa qua, lực lượng điều dưỡng thuộc khối Y tế Thủ đô đã hỗ trợ và đóng vai trò quan trọng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh hiệu quả. Đơn cử, trong hai năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, đội ngũ nhân viên y tế nói chung và lực lượng điều dưỡng, là những người trực tiếp phục vụ khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin cho người dân. Là những người có mặt tại “tâm dịch”, họ đã không quản ngại hiểm nguy, vượt qua những khó khăn, vất vả cùng cả hệ thống chính trị từng bước khống chế, đẩy lùi dịch bệnh góp phần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Phạm Văn Hưng, điều dưỡng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết: Bản thân là một điều dưỡng viên, cùng với các đồng nghiệp, tôi đã góp một phần nhỏ bé trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị. “Trong những ngày dịch diễn biến căng thẳng nhất, bản thân tôi xác định nếu mình là nhân viên y tế mà còn lo sợ vất vả, sợ lây nhiễm, lùi bước trước dịch bệnh thì người bệnh sẽ ra sao, tính mạng họ sẽ thế nào. Bởi vậy, ngay khi dịch bệnh bùng phát tôi đã xung phong tham gia vào khu vực điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện”- anh Hưng cho biết.

Được biết, Bệnh viện đa khoa Đức Giang là một trong 5 bệnh viện tuyến đầu trên địa bàn Thành phố, được Sở Y tế Hà Nội giao tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19. Chỉ tính riêng từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến cuối tháng 5/2022, Bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 260.000 lượt bệnh nhân, thực hiện khám cho 161.537 trường hợp nhiễm và nghi nhiễm, trong đó 5.816 bệnh nhân cách ly, 4.347 bệnh nhân F0 được điều trị. Trong các F0 điều trị tại viện, có 1 trường hợp phải thở tim phổi nhân tạo, 430 ca thở máy, 426 ca lọc máu và gần 1.000 ca thở oxy, góp phần nối dài sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân Covid-19.

Có được những thành công như vậy, bên cạnh những cống hiến to lớn của đội ngũ bác sĩ, không thể không kể đến những đóng góp thầm lặng mà vô cùng hiệu quả của đội ngũ điều dưỡng bệnh viện. Cụ thể, những điều dưỡng tại viện đã tham gia hỗ trợ bệnh nhân ở tất cả các khâu, từ tiếp đón người bệnh lúc vào viện đến khi người bệnh ra viện. “Trong đó, từ chuẩn bị dụng cụ, thuốc uống, thuốc tiêm đến cầu nối thực thi các y lệnh của bác sĩ. Từ tỉ mẩn, ân cần chăm lo lữa ăn, giấc ngủ cho bệnh nhân, đến an ủi, động viên khi tinh thần người bệnh xuống dốc…”, điều dưỡng Hưng chia sẻ.

Vượt qua tất cả những nhọc nhằn, vất vả chính tình yêu nghề đã giúp đội ngũ điều dưỡng luôn giữ được nụ cười tươi tắn, thân thiện trên môi để tiếp tục ngày đêm âm thầm thực hiện sứ mệnh bảo vệ sức khỏe cho người bệnh… Khi dịch bệnh đã dần thoái lui, công tác chăm sóc người bệnh dần trở lại trạng thái cũ. Các hoạt động của điều dưỡng như tư vấn giáo dục sức khỏe, chăm sóc vệ sinh, thực hiện y lệnh thuốc, xét nghiệm… được trở lại thường quy.

Anh Hưng cho biết: “Hiện, ngoài việc tổ chức học tập kiến thức chuyên môn, trau dồi kỹ năng giao tiếp ứng xử, hướng tới mục tiêu lấy sự hài lòng của người bệnh làm phương châm hoạt động. Phòng điều dưỡng bệnh viện còn thường xuyên duy trì các cuộc họp hội đồng người bệnh, duy trì các cuộc khảo sát tư vấn giáo dục sức khỏe, để kịp thời nắm bắt, tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân”. Bên cạnh đó, đội ngũ điều dưỡng của Bệnh viện cũng luôn cố gắng phấn đấu, quyết tâm rèn luyện, nâng cao y đức, để phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn.

Tương tự, chị Đỗ Thị Thủy (phòng Điều dưỡng- Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) chia sẻ: “Ba năm vừa qua là quãng thời gian đầy biến động và thách thức với hệ thống y tế. Đại dịch Covid-19 giúp chúng ta nhìn nhận sâu sắc hơn về sự đóng góp của lực lượng điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên ngành Y tế. Với vai trò là những chiến sĩ áo trắng chống dịch, hàng ngàn điều dưỡng, hộ sinh và kỹ thuật viên của Việt Nam đã dũng cảm, đương đầu đối phó dịch dịch bệnh Covid-19,để lại nhiều hình ảnh đẹp cho nhân dân về ngành Y tế”.

Cũng theo chị Thủy, nếu như trước kia, điều dưỡng có chức năng thực hiện y lệnh của bác sĩ, thì ngày nay điều đưỡng đã nâng cao vai trò, vị thế của mình trong công tác chuyên môn chăm sóc người bệnh. Trong đó, chức năng chủ động trong công tác chăm sóc người bệnh và phối hợp nhịp nhàng cùng bác sĩ, được điều dưỡng thực hiện khá chuyên nghiệp và hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học- thực hành dựa trên bằng chứng cũng được lực lượng điều dưỡng phát huy và sáng tạo.

Chăm lo quyền lợi chính đáng

Mặc dù chịu nhiều áp lực trong công việc nhưng thu nhập hiện tại của điều dưỡng chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra. Bởi vậy, nâng cao thu nhập, đảm bảo các quyền lợi cho điều dưỡng là vấn đề cần được quan tâm, tránh tình trạng điều dưỡng nghỉ việc, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phát biểu tại Hội nghị biểu dương "Công nhân, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh giỏi" năm 2022 vừa qua, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết: Ngành Y tế Hà Nội hiện đang quản lý 79 đơn vị khối hành chính sự nghiệp và 40 đơn vị khối ngoài Nhà nước có tổ chức Công đoàn. Trong đó, đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên… là lực lượng lao động đặc biệt. Đây là những người trực tiếp chăm lo, phục vụ mọi nhu cầu của người bệnh từ các kỹ thuật nghiệp vụ cho đến chăm sóc tinh thần, nắm bắt tâm lý người bệnh, biết đặt mình vào tâm trạng người bệnh, họ đã đóng góp không nhỏ vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của Ngành.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, Sở Y tế cũng như Công đoàn Ngành luôn tạo điều kiện để lực lượng này công tác, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật thông tin, ứng dụng kỹ thuật mới, tiên tiến. Các hội thi, hội thao theo chuyên ngành được tổ chức, là cơ hội cho người lao động ôn lại kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp ứng xử. Từ đó đã góp phần cải thiện đáng kể chất lượng đội ngũ này trong ngành Y tế.

Để phát huy hơn nữa tiềm năng, trách nhiệm của đội ngũ những người lao động trực tiếp, Công đoàn Ngành chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với lãnh đạo chuyên môn đồng cấp tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động. Trong đó, cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ công nhân, điều dưỡng, kỹ thuật viên, hộ sinh, những người lao động trực tiếp của đơn vị trong công tác chuyên môn, học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp ứng xử. Động viên lực lượng này không ngừng phấn đấu, học tập, đáp ứng yêu cầu, sự phát triển của đơn vị và của ngành Y tế.

Đồng thời, làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, phối hợp với lãnh đạo chuyên môn chăm lo quyền lợi chính đáng cho người lao động, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc, đời sống cả về vật chất và tinh thần để đội ngũ cán bộ điều dưỡng yên tâm công tác trong cơ chế tự chủ hiện nay.

Bên cạnh đó, cần triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước một cách sâu rộng, tập trung vào một số nội dung có liên quan thiết thực với người lao động, tới các hoạt động chuyên môn của Ngành. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng, động viên đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên, điều dưỡng... để động viên các nhân viên y tế nỗ lực hết mình hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao phó./.

Nguồn: 

https://laodongthudo.vn/nhung-nguoi-tham-lang-vi-benh-nhan-141556.html

Bá Thành - Tổ Truyền thông