Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Niềm vui của người thầy thuốc điều trị hiếm muộn

Niềm vui của người thầy thuốc điều trị hiếm muộn

Đối với mỗi thầy thuốc, bệnh nhân khỏi bệnh là niềm vui lớn nhất. Với bác sĩ Phạm Thuý Nga và các y bác sĩ của Khoa Hỗ trợ sinh sản và nam học Bệnh viện phụ sản Hà Nội thì những cung bậc của niềm vui ấy lại là những mảnh ghép như những “mùa xuân” nho nhỏ cóp nhặt lại mà thành.

Hơn 20 năm gắn bó với chuyên ngành sản phụ khoa, có gần 15 năm làm về hiếm muộn, bác sĩ Nga thấu hiểu những tâm tư, tình cảm và hành trình gian truân trên con đường “tìm con” của các cặp vợ chồng hiếm muộn. Mỗi lần nhắc đến chị lại rưng rưng xúc động bởi chỉ có những ai trong cuộc và những ai đồng hành mới trân trọng từng khoảnh khắc ấy.

Chị N.T.V năm nay gần 40 tuổi hành trình đi “tìm con” của chị kéo dài gần 15 năm, những vất vả những gian truân những lần đặt phôi thất bại đã khiến chị như gục ngã và chẳng còn niềm tin vào một ngày mình sẽ được làm mẹ. Thế nhưng cách đây 3 năm cơ duyên đã đến với chị, trong lúc đang vô cùng tuyệt vọng sau 2 lần kích trứng thất bại. Chị được bạn bè giới thiệu và đã tìm đến Khoa Hỗ trợ sinh sản và nam học, BV Phụ Sản Hà Nội.  

Chị V xúc động chia sẻ: “ Như một phép màu, bác sĩ Nga và các y bác sĩ đã mang các con đến với em. Không biết bác Nga và các y bác sĩ có còn nhớ em không, em thì không bao giờ quên được. Các bác cho em biết cảm giác làm mẹ. Thậm chí, niềm vui ấy còn nhân lên gấp bội khi thai đôi một cô công chúa và một chàng hoàng tử. Bây giờ 2 cháu đã lớn rồi bác ạ. Em xin phép đăng ảnh 2 cháu lên đây như một món quà nhỏ, thay lời cảm ơn sâu sắc của toàn thể gia đình em đến bác sỹ Nga và các bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Chúc các bác sĩ luôn mạnh khoẻ để đem hạnh phúc đến cho các gia đình có hoàn cảnh như chúng em”.

Bác sĩ Nga tư vấn cho cặp vợ chồng đến tư vấn điều trị hiếm muộn 

Cũng giống như chị V, chị N.T.H lặn lội đường xá xa xôi từ Mường Lai - Lục Yên - Yên Bái tìm đến khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học sau khi đã “gõ cửa” khắp nơi để tìm đứa con cho mình. Và niềm vui cũng vỡ oà khi con trong bụng mẹ khoẻ mạnh chờ đến ngày chào đời.

Hay như chị P.T.M năm nay 47 tuổi cũng đã thành công nhờ IVF. Chị M tâm sự, vẫn biết sinh con ở tuổi này không dễ dàng gì cho cả mẹ và con nhưng chị vẫn đau đáu nỗi niềm được một lần làm mẹ. Chị đã đi đến 16-17 năm đủ các nơi và thật may mắn khi có duyên với nơi này. Đến nay, chị M đang chờ ngày “lâm bồn” để được đón con mà mình hằng mong mỏi.

Bác sĩ Nga cho biết, có rất nhiều hoàn cảnh nhiều câu chuyện mà khiến chị không ít lần chẳng thể thốt lên lời bởi quá xúc động, quá yêu thương.

Chị Nga kể lại, ngày 28 tết khi mọi người đang nô nức chuẩn bị cho gia đình mình một cái tết đầy đủ thì chị cùng các y bác sĩ của Khoa tiến hành chuyển phôi cho một bệnh nhân 38 tuổi.  “Ngày hôm đó không những quan trọng đối với bệnh nhân  mà đối với cả tôi, bởi đó là ca chuyển phôi cuối cùng của năm Con Chuột, chúng tôi thật sự mong muốn rằng ca chuyển phôi này sẽ thành công như một cái kết đẹp cho năm 2020- một năm khá ảm đạm và buồn bã vì dịch COVID-19”, Bs Nga nói.

Và đến hôm nay, thật may mắn sau 2 tuần chờ đợi bệnh nhân tay run run cầm tờ phiếu xét nghiệm với kết quả beta hCG là 3026 mIU/ ml. Đến khi bác sỹ Nga siêu âm thì chị đã không thể ngăn được những giọt nước mắt xúc động khi thấy đứa bé mong chờ đã là một chấm nhỏ trên hình ảnh siêu âm. Đó như một tín hiệu khởi đầu đầy tốt đẹp cho năm 2021, tiếp tục cóp nhặt những niềm vui của các bác sĩ thuộc chuyên khoa khá đặc biệt này.

 Niềm hạnh phúc của cặp vợ chồng khi đón nhận con yêu cũng là niềm vui của những người         thầy thuốc điều trị hiếm muộn (ảnh BSCC)

Cũng theo bác sĩ Nga, nhiều bệnh nhân đến với Khoa không phải có thai lần đầu ngay, có người phải làm nhiều lần. Cũng đã có người nản, có người theo đến cùng. Nhưng với bác sĩ, chúng tôi phải kiên trì và thuyết phục bệnh nhân kiên trì theo. Để có sự kiên trì thì bệnh nhân phải có niềm tin về thầy thuốc. Chúng tôi phải tạo ra niềm tin ấy. Luôn đồng hành, chia sẻ và đặc biệt giải thích cặn kẽ về chuyên môn một cách dễ hiểu nhất cho bệnh nhân.

“Có những bệnh nhân sau nhiều năm đi tìm con, đã làm đủ các phương pháp nhưng vẫn không thể có con, khi tìm đến với chúng tôi, lúc đó chúng tôi phải tư duy nhiều lắm, suy nghĩ nhiều lắm, thấy càng phải có trách nhiệm với niềm tin đó. Chúng tôi phải tư duy lại, xem xét toàn bộ hồ sơ bệnh sử cũ, nghiên cứu tỉ mỉ để xem có cách nào ưu việt hơn các phương pháp mà trước đó bệnh nhân đã làm. Một câu mà tôi vẫn thường hay nói với bệnh nhân của mình là : Còn trứng và còn tinh trùng thì không lý do gì mà không có thai”, Bs Nga chia sẻ.

"Bật mí" với chúng tôi, bác sĩ Nga còn cho biết mỗi dịp Tết hay dịp 27/2 các anh chị có nhiều quà lắm.  Đó là tấm lòng của bệnh nhân gửi đến, có chỉ là một ít thịt bò, khi thì củ khoai, con gà, đặc sản quà quê bệnh nhân. Cũng có khi là một lời chúc, một bức ảnh về sự lớn từng ngày của các em bé được tạo ra từ ống nghiệm… Chỉ giản dị như vậy thôi đã là hạnh phúc đối với các anh chị lắm rồi!.

Khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học,  BV Phụ sản Hà Nội nơi hội tụ các y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa được trang bị những thiết bị hiện đại nhất trong lĩnh vực này.

Một  vài lời khuyên BS Nga gửi đến các mẹ bầu:

Dù bận rộn đến đâu các mẹ bầu cũng cần chú ý ăn uống điều độ, đủ bữa, đủ chất dinh dưỡng để em bé phát triển khoẻ mạnh

Hãy nhớ ăn chín uống sôi, không ăn tiết canh, nem chua...những đồ ăn chưa được nấu chín

Không dùng các chất kích thích như rượu,bia, nước có ga, cà phê...

Hạn chế bánh, mứt, kẹo, đồ ngọt để tránh tiểu đường thai kỳ

Đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc để có một tinh thần thoải mái

Hãy nhớ 5K, không tụ tập đông người và nhớ tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách an toàn ở những nơi công cộng để phòng tránh dịch COVID -19.

Nguồn:

https://suckhoedoisong.vn/niem-vui-cua-nguoi-thay-thuoc-dieu-tri-hiem-muon-n187406.html

https://www.tin247.com/niem-vui-cua-nguoi-thay-thuoc-dieu-tri-hiem-muon-10-28380258.html

Bá Thành - Tổ Truyền thông