Rối loạn chức năng sàn chậu với các biểu hiện nhẹ thì són tiểu không tự chủ, táo bón kéo dài... nặng hơn là sa tử cung, âm đạo… là những nỗi lo “thầm kín” của nhiều phụ nữ khi bước vào tuổi trung niên.
Không rời nhà một bước vì e ngại “són tiểu” và sa tử cung
Bà P.T.T (60 tuổi, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được gia đình đưa vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội trong tình trạng chảy máu và viêm nhiễm phần phụ. Tại đây, bà T. được xác định sa sinh dục và chỉ định phẫu thuật.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, dù phát hiện khối sa tử cung từ cách đây 3 năm nhưng vì chủ quan và e ngại nên bà âm thầm chịu đựng, không đi khám. Tuy nhiên, khoảng 2 - 3 tháng gần đây, bà ra máu nhiều, lúc này mới nói với con gái và được đưa tới viện.
Cũng vì e ngại, xấu hổ nên 2 năm nay, chị N.T.O (49 tuổi, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) phải âm thầm chịu đựng cảnh thường xuyên bị són tiểu không tự chủ khi cười nói, hắt xì, đi lại hoạt động…
Do đó, chị O. hãn hữu rời khỏi nhà, phải đóng băng vệ sinh mỗi khi đi đâu xa. Thế nhưng, cách đây chừng 1 tháng, vào chăm con đẻ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, được con động viên nên chị O. thăm khám và nhanh chóng được bác sĩ điều trị căn bệnh són tiểu.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Ths. BSCKII. Đỗ Khắc Huỳnh, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết, sàn chậu là tổng thể của 3 hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo), niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn).
Nhiệm vụ của sàn chậu là giữ cho các cơ quan này nằm đúng chỗ, không bị sa xuống khi làm việc nặng, vận động, chạy nhảy. Sàn chậu còn có vai trò đóng, mở các lỗ đường tiểu, âm đạo, hậu môn, giúp kiểm soát hoạt động đại tiện và tiểu tiện theo ý muốn, sinh hoạt tình dục, giúp việc sinh nở dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, trải qua quá trình mang thai hoặc do yếu tố tuổi tác, hệ thống cơ và dây chằng vùng đáy chậu của người phụ nữ bị lão hóa, giãn ra nên không còn khả năng giữ các cơ quan vùng chậu ở đúng vị trí ban đầu.
Ở giai đoạn sớm, người bệnh sẽ thấy xuất hiện khối phồng ở vùng âm hộ mỗi khi ngồi xổm, ho hoặc rặn lúc đại tiện. Nếu không chữa trị kịp thời, khối phồng sẽ sa ra ngoài nhiều và thường xuyên hơn. Đến giai đoạn nặng, khối sa sẽ lộ hẳn ra ngoài âm hộ, không đẩy vào trong âm đạo được.
40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu
Theo thống kê, gần 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị són tiểu, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa các cơ quan trong vùng chậu. Trong đó, cứ 5 người thì có 1 người bị sa từ 2 cơ quan trở lên như sa tử cung, sa bàng quang, sa trực tràng. Nguyên nhân của rối loạn chức năng sàn chậu và sa cơ quan vùng chậu là do mang thai, thói quen xấu, suy yếu sức cơ theo tuổi...
Những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn chức năng sàn chậu là những phụ nữ mang thai sinh con nhiều lần; những phụ nữ tuổi từ 40 - 60 có biểu hiện rối loạn chức năng sàn chậu, sa sinh dục, là phụ nữ bước vào tuổi mãn kinh thường bị rối loạn hóc môn sinh dục cũng là nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu.
Mỗi tháng tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thăm khám cho hơn trăm ca, chủ yếu là són tiểu và sa bộ phận sinh dục, đa phần đều phải can thiệp phẫu thuật. BS. Huỳnh cho biết: “Phần lớn bệnh nhân đều chủ quan, e ngại và không coi đó là bệnh nên thường đến viện giai đoạn sau, khi dấu hiệu bệnh nặng.
Điều này rất đáng tiếc, bởi nếu bệnh nhân đến sớm chúng tôi hướng dẫn bài tập Kegel giúp phòng tránh sa sinh dục, còn thông thường, các ca nhẹ thì chỉ phẫu thuật và ra viện sau 24 giờ. Với trường hợp sa bàng quang, sa tử cung phải làm ghép thì sẽ ở lại viện 3 - 5 ngày”.
Ths. BSCKII. Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Khám Phụ khoa tự nguyện, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cũng khuyến cáo, bệnh nhân nên đi khám và điều trị bệnh sớm để được tư vấn, điều trị bằng các phương pháp thích hợp. Nếu để bệnh quá nặng, đặc biệt là sa tử cung mức độ nặng, gây viêm loét, các biến chứng nguy hiểm thì có thể sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
6 năm không ra khỏi nhà, sau phẫu thuật đi du lịch khắp nơi
Nhắc về một ca bệnh sa sinh dục mà mình nhớ mãi, BSCKII. Đỗ Khắc Huỳnh, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội kể: Nữ bệnh nhân 70 tuổi, đến bệnh viện khi đã bị sa tạng sàn chậu suốt 12 năm với khối sa sinh dục dài 20cm. Chính vì bất tiện này, suốt 6 năm qua, bệnh nhân chưa từng rời nhà nửa bước.
“Không gây chết người nhưng căn bệnh này khiến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ suy giảm. Như chia sẻ của người bệnh, suốt những năm qua thường xuyên són tiểu bất kỳ khi nào và để khối sa sinh dục bớt gây đau, họ phải dùng vải buộc, kéo lên”, BS. Huỳnh nói và cho hay, sau thăm khám, ông quyết định phẫu thuật sàn chậu cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật thuận lợi, giờ đây, bệnh nhân thường xuyên đi du lịch khắp nơi.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/noi-lo-tham-kin-khien-nhieu-phu-nu-khong-dam-ra-khoi-nha-d498898.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông