Trình độ tay nghề cao
Có lẽ những thai phụ trên hành trình làm mẹ thiêng liêng của mình đều ít nhiều được các bác sỹ nói về nguy cơ thiểu ối trong quá trình mang thai. Đây là biến chứng thường gặp và có thể là nguyên nhân khiến cho thai nhi không thể chào đời.Tuy nhiên, hiện nay với phương tiện kỹ thuật hiện đại, phòng mổ vô trùng đạt chuẩn châu Âu cùng sự khéo léo trong đôi bàn tay của những chuyên gia đầu ngành tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nỗi đau của thai phụ và bất hạnh của thai nhi sẽ không còn cơ hội hiện hữu.
Nếu ai đã từng gặp, tiếp xúc với BSCKI. Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tự nhiên sẽ có một ấn tượng rất đặc biệt về chị.
Đó không chỉ là nữ bác sỹ với đôi bàn tay khéo léo, hồi sinh nhiều sự sống cho thai nhi với kỹ thuật can thiệp bào thai đỉnh cao đã được người dân khắp mọi miền Tổ quốc biết tới mà còn là gương mặt rạng rỡ, ánh mắt thân thiện, giọng nói nhẹ nhàng, nụ cười thường trực; là thái độ chân thành, ân cần, quan tâm của chị với sản phụ và thai nhi.
Trong quá trình 12 năm công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bác sỹ Nguyễn Thị Sim đã chứng kiến rất nhiều mất mát của thai phụ do các bệnh lý xuất hiện trong quá trình mang thai song bên cạnh đó chị cũng nhận được nhiều “trái ngọt” do thành tựu công nghệ và trí tuệ con người mang lại.
Một trong số dấu ấn đáng kể của bác sỹ Sim nói riêng và tập thể Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói chung là triển khai kỹ thuật can thiệp y học bào thai thành công, giúp thai nhi khắc phục nhiều bệnh lý nguy hiểm, dị tật, tử vong.
Hay đó là kỹ thuật truyền ối đòi hỏi tay nghề cao được ứng dụng thành công tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từ cuối năm 2019 do trực tiếp Giám đốc Nguyễn Duy Ánh và bác sỹ Nguyễn Thị Sim thực hiện, mang tới cơ hội làm mẹ cho nhiều thai phụ.
Chia sẻ rõ hơn về biến chứng thiểu ối mà sản phụ có thể gặp phải trong quá trình mang thai, bác sỹ Nguyễn Thị Sim cho rằng, đây là biến chứng mà sản phụ thường gặp phải trong quá trình mang thai với tỉ lệ khoảng 4-5%.
Khi bị thiểu ối, thai nhi thai chậm phát triển, ngôi thai bất thường hoặc bị biến dạng mặt, chân tay. Ở thể nặng, thiểu ối có thể cướp đi sinh linh của rất nhiều bào thai bé bỏng khi chưa kịp chào đời.
Để thực hiện thành công kỹ thuật truyền ối, duy trì sự sống cho bào thai, đợi ngày chào đời, mọi khâu chuẩn bị được tiến hành thận trọng, không cho phép bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất, từ phòng mổ vô trùng tuyệt đối, dụng cụ y khoa đạt chuẩn đến thao tác chuẩn xác, khéo léo của bác sỹ, nhân viên y tế nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến bào thai.
Trong quá trình truyền ối, các bác sỹ thực hiện xuyên chiếc kim “siêu nhỏ” (chiếc kim đang được thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là nhỏ nhất thế giới) vào buồng tử cung, truyền dịch vô khuẩn vào buồng ối. Khi lượng nước ối trở về bình thường, các bác sỹ dừng thủ thuật, đồng thời lấy 10ml mẫu ối làm xét nghiệm di truyền cho thai.
Khi được nghe kể lại có lẽ mọi người sẽ hình dung đây là kỹ thuật có phần đơn giản trong ngành Sản khoa song thực tế, để thực hiện được kỹ thuật này đòi hỏi phải là chuyên gia có trình độ tay nghề rất cao.
Sở dĩ như vậy là do khi bị thiểu ối, em bé bị bó sát trong buồng ối, khe ối còn lại rất bé, chỉ chừng 1 cm, các bác sỹ phải rất khéo léo, tập trung cao độ để cố định kim, đưa kim vào đúng khe ối (ở khoảng cách 1cm- PV), truyền được dịch vào buồng ối mà không làm tổn thương cho bào thai.
“Nếu đưa kim không chuẩn xác, không những không thu được hiệu quả điều trị mà còn ảnh hưởng tới thai nhi”, nữ chuyên gia chia sẻ.
Dù khó như vậy, song nữ bác sỹ xinh đẹp vẫn tự tin cho rằng, với kinh nghiệm chọc ối nhiều năm để sàng lọc bệnh lý cho thai phụ, chị chỉ cần xuyên kim một lần duy nhất là truyền được ối cho sản phụ.
Hoà chung nỗi đau, niềm vui cùng sản phụ
Trong quá trình can thiệp thiểu ối cho thai phụ, khi nhận thấy tín hiệu thai nhi cử động, không chỉ sản phụ vỡ òa hạnh phúc mà bác sỹ Nguyễn Thị Sim cùng ê- kip cũng không giấu được niềm vui.
|
Bác sỹ Nguyễn Thị Sim và sản phụ H sau truyền ối. |
“Thấy thai nhi cử động sau khi được truyền ối, tôi cảm giác như bao nhiêu nỗi lo, gánh nặng được trút bỏ để tận hưởng niềm vui cùng sản phụ”, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh chia sẻ.
Tình cảm của nữ bác sỹ với sản phụ không chỉ bằng sự nỗ lực của những cuộc mổ can thiệp bào thai, những lần truyền ối căng thẳng mà đó còn là sự quan tâm ân cần của chị dành cho sản phụ trong quá trình thăm khám, điều trị của họ tại Bệnh viện.
Chia sẻ với phóng viên, sản phụ Lộc Thị Hường, Nghệ An- người đã được can thiệp bào thai thành công cho biết, trong quá trình mang thai dài đằng đẵng, nhọc nhằn, trắc trở của chị luôn có sự đồng hành của nữ bác sỹ Sim.
“Bác sỹ không những dùng kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề của mình để hồi sinh sự sống tưởng như vô vọng cho thai nhi trong bụng tôi mà còn chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, thường xuyên động viên tôi vượt qua khó khăn, giữ sức khỏe chuẩn bị đón con thơ”, chị Hường kể lại.
Nhờ những lời động viên ân cần và tình cảm, sự quan tâm của bác sỹ Sim, cùng lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và các nhân viên y tế tại đây mà chị Hường đã có thêm động lực, quyết tâm vượt qua khó khăn để đến ngày vượt cạn thành công, ôm con thơ trở về gia đình trong niềm vui khôn tả.
Nói về cảm xúc của một bác sỹ nhiều năm gắn bó với sản phụ và thai nhi, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh trải lòng, trong suốt thời gian công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chị đã trải qua vô số cuộc mổ căng thẳng, cân não.
Chị vui khôn xiết khi mỗi sinh linh bé bỏng chào đời và đau đớn, bất lực trước nỗi đau của sản phụ khi đối diện những ca sinh khó, tai biến và bạo bệnh.
Với chị, không có cuộc mổ nào là đơn giản, không có can thiệp y khoa nào là dễ dàng bởi nó liên quan tới sự sống của mỗi con người.
“Có ca mổ chỉ kéo dài trong khoảng gần một giờ đồng hồ song có những cuộc thời gian cứ kéo dài đằng đẵng, cả ê-kip đều mệt mỏi song cứ nghĩ tới cảnh cứu sống được một em bé, mang lại hạnh phúc cho cả một gia đình, có khi là cả dòng họ tôi và đồng nghiệp lại cảm thấy mãn nguyện”, nữ bác sỹ chia sẻ.
Được biết, từ cuối năm 2019 đến nay tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã có nhiều em bé được chào đời khỏe mạnh nhờ kỹ thuật truyền ối.
Thai phụ có hiện tượng thiểu ối hãy tới Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, phòng 220 nhà B, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội 929 Đê La Thành, Ba Đình, Hà Nội để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời miễn phí.
Thai phụ cũng có thể liên hệ trực tiếp BS CKI Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh qua số điện thoại: 0833336699.
|
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/nu-bac-si-lam-chu-nhieu-ky-thuat-san-khoa-phuc-tap-126705.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông