Chị N.T.N (sinh năm 1988, trú tại Thái Nguyên) mang thai lần thứ tư, tiền sử mổ đẻ cũ 3 lần. Khám thai tại cơ sở y tế gần nhà, chị được phát hiện tiểu đường thai kỳ, từ đó điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Tiếp đó phát hiện mắc bệnh lý rau cài răng lược, chị được khuyên tới khám tại bệnh viện tuyến cuối để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
Chị N cho hay, 3 lần mang thai trước chị đều khỏe mạnh, không hề biết đến bệnh lý sản khoa này.
Khi tới khám tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, kết quả chụp cộng hưởng từ thai nhi cho thấy: Rau bám mặt sau, mép dưới bánh rau che kín lỗ trong tử cung, bánh rau tiến sát với thành bàng quang làm mất liên tục lớp cơ tử cung trên đoạn dài khoảng 30mm. Kết luận, rau tiền đạo trung tâm rau cài răng lược.
Rau cài răng lược nếu không được xử trí kịp thời có thể bong rau, gây chảy máu ồ ạt trong tử cung.
Dưới sự theo dõi sát sao, chị được chỉ định thực hiện mổ lấy thai ở tuần 38 để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Trực tiếp thực hiện ca mổ là bác sĩ Đỗ Khắc Huỳnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Kết quả thành công khi một bé trai 2800g khỏe mạnh cất tiếng khóc chào đời vào 10h15 ngày 2.2. Cả mẹ và bé đều có tình trạng ổn định, hiện đều được các bác sĩ thăm khám và kiểm tra hằng ngày tại khoa Dịch vụ D4.
Rau cài răng lược xảy ra khi các gai rau bám đến lớp cơ tử cung, hoặc đâm xuyên qua thành tử cung. Bình thường sau khi sinh, bánh rau sẽ tự tách rời khỏi thành tử cung và được đưa ra ngoài nhưng khi bị rau cài răng lược, bánh rau không thể bong khỏi tử cung và là nguyên nhân gây ra các tình trạng băng huyết sau sinh, rối loạn đông cầm máu,... Nguy cơ tổn thương hệ tiết niệu rất cao, và sẽ là biến cố rất nguy hiểm đối với sản phụ.
Nguồn: https://laodongtre.laodong.vn/suc-khoe/phau-thuat-thanh-cong-san-phu-mang-thai-lan-4-bi-rau-cai-rang-luoc-877201.ldo
Hà Trang - Tổ Truyền thông