Virus Zika phát hiện đầu tiên ở khỉ vào năm 1947, tại Uganda, thông qua mạng lưới giám sát bệnh sốt vàng Sylvatic. Đến năm 1959-1960, bệnh được xác định và lan truyền sang người.
Năm 2016, bệnh do virus Zika xuất hiện nhiều trên thế giới, đặc biệt là ở Brazil, đã có hàng nghìn người mắc bệnh, hàng nghìn trẻ em sinh ra mắc bệnh đầu nhỏ. Tại Việt Nam, cũng xuất hiện trường hợp đầu tiên nhiễm virus này vào năm 2016 và đến nay đã ghi nhận 265 ca mắc, chủ yếu là ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.
Theo Thạc sĩ. Bác sĩ Nguyễn Hương Trà – Phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, người mẹ mang thai 3 tháng đầu khi bị nhiễm virus Zika có thể truyền bệnh sang thai nhi, thai nhi có nguy cơ bị các dị tật do virus, có thể kể tới như nguy cơ mắc dị tật đầu nhỏ. Nếu mẹ mang thai những tháng cuối, khi thai đã phát triển tương đối hoàn chỉnh thì nguy cơ này ít xảy ra hơn.
Bác sĩ Trà cho biết, khi người mẹ không may mắc virus Zika nếu thai nhi đang ở trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ thì nguy cơ thai nhi sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn ở các giai đoạn tiếp theo. Ở giai đoạn này, thai nhi có nguy cơ gặp những bắt thường như; ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, ví dụ như tật đầu nhỏ, mất thính lực thậm chí là chậm phát triển trong thai kỳ.
Theo bác sĩ Trà, giai đoạn 3 tháng đầu tiên của thai kỳ là giai đoạn phát triển hệ thần kinh, não bộ và vận động, đây là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành và sắp xếp tổ chức. Vì vậy, khi người mẹ không may mắc virus thì thai nhi có thể sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. “Theo các nghiên cứu mới đây thì có tới 50% các em bé được sinh ra từ thai phụ không may nhiễm virus Zika chủ yếu có tác động trên hệ thần kinh trung ương”.
Những hậu quả của virus này mang lại là những em bé được sinh ra có những biểu hiện bệnh như chậm phát triển thể chất, chậm phát triển vận động, thậm chí bại não.
Bác sĩ Trà khuyến cáo, những phụ nữ đang mang thai nhất là đối với những người đang mang thai ở 3 tháng đầu tiên của thai kỳ không nên tới những nơi đã phát hiện người mắc bệnh. Bên cạnh đó, có thể dùng những chế phẩm sinh học được khuyên dùng để ngăn chặn muỗi đốt, khi quan hệ tình dục phải có những biện pháp phòng tránh an toàn.
Đối với những phụ nữ đang mang thai được xác định nhiễm virus Zika hoặc trong khu vực có nguy cơ cao nhiễm virus Zika thì phải thường xuyên kiểm tra thai nhi bằng phương pháp siêu âm. Đối với những thai phụ đã xác định dương tính với virus Zika, theo bác sĩ Trà những trường hợp này nên kiểm tra thường xuyên hơn với thời gian khoảng 2 tuần/lần nhằm kiểm tra sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là sự phát triển vòng đầu của thai nhi.
Nguồn: https://congluan.vn/phu-nu-mang-thai-can-lam-gi-de-phong-chong-virus-zika-post80815.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông