Mới đây, tại Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội lần thứ 8, năm 2020, PGS, TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, là một trong những đơn vị chuyên khoa đầu ngành của cả nước trong lĩnh vực sản phụ khoa và kế hoạch hóa gia đình, những năm qua, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội luôn chú trọng phát triển công tác chuyên môn. Hằng năm, bệnh viện thực hiện thành công hơn 40.000 ca sinh nở; hơn 20.000 ca phẫu thuật sản phụ khoa, hàng chục nghìn ca thủ thuật và gần một triệu lượt khám sản phụ khoa. Rất nhiều trường hợp khó, hiếm gặp nhưng đã được điều trị thành công. Từ những định hướng phát triển, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã áp dụng và triển khai nhiều kỹ thuật mới như: Phẫu thuật ung thư buồng trứng, cổ tử cung, sinh thiết phôi ngày 5 (PGS), xét nghiệm sàng lọc trước sinh không xâm lấn...
Đặc biệt, những năm gần đây, chuyên ngành sản phụ khoa của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội rất chú trọng đến y học bào thai, coi các bào thai chính là các bệnh nhân. Trong đó, can thiệp bào thai là kỹ thuật hiện đại nhất trong lĩnh vực y học bào thai hiện nay, có thể can thiệp được ở hầu hết các cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi... PGS,TS Nguyễn Duy Ánh cho biết, kỹ thuật can thiệp bào thai được hiểu đơn giản là chữa bệnh cho thai nhi từ trong bụng mẹ nhằm khắc phục những bệnh lý, bất thường của bào thai. Vì thế, kỹ thuật này còn có ý nghĩa rất nhân văn. Trước đây, nếu không thực hiện kỹ thuật này, những thai nhi bị dị tật hoặc bất thường trong bụng mẹ, bác sĩ có biết cũng đành phải phó mặc cho số phận. Hiện tại, với kỹ thuật hiện đại, nếu phát hiện sớm những dị tật và bất thường của thai nhi, các thầy thuốc có thể cứu chữa được các bệnh lý phức tạp, nguy hiểm với tỷ lệ thành công tới 90%, hạn chế các ca tử vong đáng tiếc, giúp trẻ sinh ra không còn bị dị tật, phát triển bình thường. Chia sẻ về kỹ thuật mới này, bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho biết, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội hiện đã tiếp nhận các sản phụ có hội chứng truyền máu song thai và hội chứng dải xơ buồng ối để can thiệp bào thai.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sim thông tin thêm, trong kỹ thuật can thiệp bào thai, truyền dịch ối cứu các bào thai cũng là một kỹ thuật mới được bệnh viện triển khai, giúp các thai phụ kéo dài thời gian mang thai, giúp thai nhi ra đời đủ tháng, tránh sinh non và tránh được những dị tật không mong muốn. Dự kiến, sau khi khẳng định thành công đề tài nghiên cứu khoa học này, kỹ thuật sẽ được chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên ở nước ta thực hiện can thiệp bào thai. Từ cuối năm 2019 đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã can thiệp kỹ thuật truyền dịch ối hơn 50 ca thai phụ thiểu ối; đã có 25 bé chào đời khỏe mạnh nhờ kỹ thuật này, số còn lại đang được tiếp tục theo dõi, chờ ngày sinh.
Nguồn:
https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/them-co-hoi-lam-me-cho-nhung-san-phu-kem-may-man-648820
http://netnews.vn/Them-co-hoi-lam-me-cho-nhung-san-phu-kem-may-man-home-285-0-2549705.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông