Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Thiếu kiến thức, phụ nữ dân tộc giã lá rừng chữa phụ khoa

Thiếu kiến thức, phụ nữ dân tộc giã lá rừng chữa phụ khoa

Ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều chị em phụ nữ vẫn còn thiếu kiến thức cũng như ý thức trong việc chăm sóc sức khoẻ, trong đó có sức khoẻ sinh sản. Việc này đã làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của chị em.

Chị Trần Lợi T. 34 tuổi, trú tại Sa Thầy, Kon Tum đến khám vì có thông báo của Hội LHPN xã về Đoàn công tác của các chuyên gia của BV Phụ Sản Hà Nội đến khám miễn phí. Bác sĩ khám thì thấy tử cung của chị T ổn, không có bất thường nhưng vì sinh đẻ nhiều nên cơ quan sinh sản "sẹo xấu". Hỏi mãi thì chị T. cũng cho biết, chuyện chăn gối của chị rất khó khăn. Bác sĩ cho rằng, nguyên nhân là do chị sinh nhiều con (4 đứa) và tầng sinh môn mỗi lần sinh khâu không được tốt, nên để lại nhiều sẹo.

Bà A Tới, 52 tuổi, ở Sa Thầy, Kon Tum vào xin đăng ký khám. Bà Tới than thở khoảng 3 năm nay không hiểu lý do gì mà bà luôn cảm thấy tính tình nóng nảy, khó chịu, bứt rứt trong người, mệt mỏi. Bà Tới không có điều kiện đi khám bệnh nên âm thầm chịu đựng. Khi nghe bác sĩ giải thích đó là biểu hiện của tuổi mãn kinh, bà Tới mới "ồ à". Bản thân bà không hề biết về vấn đề ảnh hưởng do tuổi mãn kinh ở phụ nữ.

Nguy hiểm hơn, một phụ nữ dân tộc thiểu số đến từ xã Ya Ly đến khám trong tình trạng mệt mỏi. Bác sĩ kiểm tra thì thấy vùng kín của chị bị viêm nặng, bã sinh dục nhiều. Chị cho biết, vì thấy ngứa nên đã tự giã lá cây rừng rồi đun nước xông, làm các biện pháp theo mẹ mình mách. Kết quả, vùng kín của chị không những không hết ngứa mà còn xuất hiện mùi hôi khó chịu.

BSCK II Diêm Thị Thanh Thủy – Trưởng Đoàn công tác của BV Phụ Sản Hà Nội cho biết, trong chuyến công tác đến khám bệnh cho chị em phụ nữ ở Kon Tum, có nhiều phụ nữ được khám và tư vấn sàng lọc ung thư cổ tử cung. Đa số chị em phụ nữ đều chưa có hiểu biết gì về các bệnh lý phụ khoa từ viêm nhiễm cho tới nguy cơ ung thư. Thậm chí, vấn đề tiền mãn kinh, mãn kinh chị em cũng không biết mà họ âm thầm chịu đựng những ảnh hưởng của giai đoạn này gây ra.

Thiếu kiến thức, phụ nữ dân tộc giã lá rừng chữa phụ khoa - Ảnh 1.

Đoàn công tác của BV Phụ Sản Hà Nội đến khám bệnh cho chị em phụ nữ ở Kon Tum

Để nâng cao kiến thức hiểu biết về sức khoẻ cho phụ nữ trong khu vực, theo UNBD tỉnh Kon Tum, từ nay tới năm 2025, UNBD tỉnh sẽ tập trung phổ biến, hướng dẫn và cung cấp tài liệu, chương trình truyền thông, tư vấn về sức khỏe và dinh dưỡng phù hợp với phương thức truyền thông và các nhóm đối tượng đặc thù là người dân tộc thiểu số, chú trọng nâng cao hiểu biết và thực hành dinh dưỡng hợp lý ở phụ nữ, trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên.

Chuẩn hóa, nhân rộng các tài liệu truyền thông đã được sử dụng có hiệu quả, phù hợp với các địa bàn, đặc biệt là khu vực miền núi, dân tộc thiểu số; cấp phát các tài liệu truyền thông thay đổi hành vi cho các nhóm đối tượng đích, biên tập tài liệu truyền thông đặc thù bằng tiếng dân tộc ít người để phát trên đài truyền hình địa phương, địa bàn có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn/thieu-kien-thuc-phu-nu-dan-toc-gia-la-rung-chua-phu-khoa-20220924170702954.htm

Thu Linh - Tổ Truyền thông