Gây tai biến tử vong cao ở mẹ
Theo TS.BS. Đinh Thúy Linh, Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tiền sản giật là một bệnh lý tương đối phổ biến với tỷ lệ 3-5% thai kỳ, xuất hiện ở tuần thai thứ 20 và có thể tới 6 tuần sau sinh. Tất cả thai phụ đều có nguy cơ mắc bệnh. Ba triệu chứng điển hình của bệnh là tăng huyết áp, protein trong nước tiểu và phù. Cơ chế bệnh sinh chính xác của bệnh vẫn chưa được xác định.
Hàng năm, thế giới có hơn 10 triệu thai phụ mắc tiền sản giật, đồng thời hơn 2,5 triệu ca sinh non xảy ra do bệnh lý này.
Hầu hết phụ nữ bị tiền sản giật có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình, tuy nhiên, một số trường hợp có các triệu chứng nặng và biến chứng như rau bong non, sản giật,... Sản giật là một trong những tai biến gây tỷ lệ tử vong mẹ rất cao.
Trong giai đoạn đầu của bệnh, thai phụ thường không có triệu chứng rõ rệt song bệnh có thể tiến triển rất nhanh. Các trường hợp có biến chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thai phụ nếu không được điều trị kịp thời. Với thai nhi, tiền sản giật có thể gây sinh non. Một số trường hợp nặng sẽ gây rau bong non, thai nhi có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí, tử vong trong bụng mẹ.
Bác sĩ Linh cho biết bệnh lý tiền sản giật không có biện pháp điều trị đặc hiệu. Ngừng thai kỳ là cách điều trị triệt để duy nhất. Nếu tiền sản giật xuất hiện sớm, diễn biến bệnh nặng, việc ngừng thai kỳ sẽ khiến em bé đối diện tình trạng sơ sinh non tháng rất nặng. Nhiều trẻ không có cơ hội sống sót.
Chủ động dự phòng
Nhiều năm trong nghề chứng kiến nhiều ca tiền sản giật nguy kịch, bác sĩ Linh trăn trở hiện nay đa phần thai phụ thực hiện sàng lọc trước sinh chỉ nhằm phát hiện bệnh lý cho em bé trong bụng mà bỏ qua tình trạng của mẹ.
“Chúng ta đang làm rất nhiều xét nghiệm để sàng lọc các bệnh lý cho thai. Tuy nhiên đôi khi chưa chú ý tới các xét nghiệm sàng lọc các bệnh lý cho thai phụ. Tiền sản giật gặp ở 3-5% thai phụ, tức cứ 100 bà bầu sẽ có 3-5 người mắc bệnh lý này. Thậm chí, ở nhiều nơi trên thế giới, con số này là 8/100 thai phụ, tức rất cao. Chúng ta quên mất rằng bệnh lý cho mẹ cũng cần phải sàng lọc. Tiền sản giật là một ví dụ khi nó có tỷ lệ mắc cao, hậu quả, biến chứng lớn”- BS Linh phân tích.
Hiện nay, bệnh lý này có thể được sàng lọc ở giai đoạn từ tuần thai 11 đến 13 tuần 6 ngày để chỉ ra người có nguy cơ cao sẽ mắc. Khi thai phụ đến khám, sẽ được đo huyết áp, siêu âm, đo Doppler động mạch tử cung 2 bên, sau đó lấy máu để làm xét nghiệm. Qua hệ thống phần mềm tính toán nguy cơ, thai phụ được phân loại nguy cơ thấp và cao. Việc điều trị dự phòng sẽ được áp dụng với những thai phụ có nguy cơ cao.
“Sàng lọc tiền sản giật được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới trong những năm gần đây, song ở nước ta kỹ thuật này khá mới mẻ. Sau khi phát hiện sản phụ có nguy cơ cao, chúng tôi sẽ điều trị ở quý một thai kỳ kéo dài tới 36 tuần để hạn chế việc khởi phát tiền sản giật, hoặc có khởi phát thì muộn hơn để em bé có thêm thời gian phát triển trong bụng mẹ, cứng cáp hơn trong trường hợp phải lấy thai ra sớm”, bác sĩ Linh cho biết.
Thai phụ nên sàng lọc tiền sản giật để đảm bảo an toàn trong thai kỳ
Hiện chi phí xét nghiệm dao động khoảng 1,2-1,5 triệu đồng. Tuy nhiên tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tất cả thai phụ đều được miễn phí chi phí xét nghiệm trong giai đoạn này. Những người được chẩn đoán có nguy cơ cao sẽ được quản lý thai tại bệnh viện và được miễn phí chi phí khám thai cho tới lúc sinh.
“Qua chương trình này, trong số 500-600 thai phụ xét nghiệm hàng tháng, chúng tôi phát hiện tỷ lệ dương tính khá cao, khoảng 10%. Hiện nay gần 200 trường hợp có nguy cơ cao mắc tiền sản giật đang được chúng tôi quản lý thai kỳ”, bác sĩ Linh thông tin.
Theo số liệu châu Âu báo cáo, với việc điều trị dự phòng, thai phụ sẽ giảm hơn 60% nguy cơ mắc tiền sản giật, đặc biệt với tiền sản giật non tháng trước 32, 34 tuần, tỷ lệ giảm đạt hơn 80%.
Bác sĩ khuyến cáo thai phụ tuyệt đối không được chủ quan với bệnh lý tiền sản giật. Bệnh có thể xuất hiện ở tất cả thai phụ. “76.000 bà mẹ và 500.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm hoàn toàn có thể được cứu sống nếu chúng ta hiểu được mức độ cần thiết khi chủ động sàng lọc và điều trị dự phòng bệnh lý này ở thai phụ”, bác sĩ Linh khuyến nghị.
Nguồn:
https://baomoi.com/tien-san-giat-can-benh-gay-tu-vong-cao-o-phu-nu-mang-thai/c/39055465.epi
https://doanhnghiepvn.vn/doi-song/-tien-san-giat-can-benh-gay-tu-vong-cao-o-phu-nu-mang-thai/20210602082253740
https://www.xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3170428
Hà Trang - Tổ Truyền thông