Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Tọa đàm về phương pháp mới tầm soát sớm ung thư vú

Tọa đàm về phương pháp mới tầm soát sớm ung thư vú

Các bác sĩ tại ba bệnh viện ở Hà Nội, Huế, TP HCM chia sẻ phương pháp mới tầm soát, phòng ngừa ung thư vú lúc 19h30 ngày 9/10 trên fanpage VnExpress.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ của chương trình vì cộng đồng "Tầm soát ung thư vú trọn vẹn: Yêu bản thân, đừng trì hoãn" do Công ty Cổ phần Giải pháp Gene (Gene Solutions) phối hợp cùng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM và Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Chương trình nhằm kêu gọi phụ nữ yêu thương bản thân, chú ý bảo vệ sức khỏe, nâng cao nhận thức về tầm soát ung thư vú sớm hưởng ứng tháng hành động phòng, chống căn bệnh này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm nay phát đi các sáng kiến toàn cầu mới về ung thư vú, sau khi căn bệnh này lần đầu tiên vượt qua ung thư phổi trở thành loại ung thư phổ biến nhất thế giới. WHO ước tính, thế giới có 2,3 triệu trường hợp mắc ung thư vú trong năm 2020, chiếm gần 12% số ca mắc ung thư mới. Ung thư vú ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Tại Việt Nam, theo thống kê của tổ chức Globocan 2020, số ca mắc mới ung thư vú hơn 21.000 người, với gần 9.350 phụ nữ tử vong.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Cảnh Chương - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội chia sẻ, ung thư vú không chỉ gây ra sự thay đổi về thể chất mà còn ở khía cạnh cảm xúc và nhận thức. Người bệnh dễ rơi vào cảm giác lo lắng, trầm cảm, thậm chí tuyệt vọng. Điều trị ung thư vú kéo dài cùng nhiều loại thuốc chuyên khoa, các phương pháp điều trị phức tạp, giá thành cao làm gia tăng gánh nặng kinh tế cho người bệnh, người thân bệnh nhân, gia đình và xã hội.

Các chị em hưởng ứng chiến dịch nơ hồng nhằm phòng chống ung thư vú. XIN NGUỒN ẢNH.

Các chị em hưởng ứng chiến dịch nơ hồng nhằm phòng, chống ung thư vú. Ảnh: Shutterstock

Tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa quan trọng. Phát hiện càng sớm càng giúp điều trị hiệu quả, chi phí thấp và kéo dài thời gian cũng như chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội chia sẻ, xét nghiệm gen là cơ sở để phát hiện sớm nguy cơ mắc ung thư vú di truyền, không chỉ cho bản thân người bệnh mà còn có giá trị dự phòng nguy cơ cho cả người thân trực hệ của họ. Hơn nữa, việc phát hiện và điều trị ung thư vú từ giai đoạn sớm còn đạt được hiệu quả cao, giảm chi phí và nhiều tác dụng phụ. Tuy nhiên, do yếu tố tâm lý, không ít phụ nữ Việt còn e ngại, chưa chủ động đi khám tầm soát ung thư vú định kỳ để được phát hiện sớm.

Tiến sĩ Giang Hoa, Phó Viện trưởng Viện Di truyền Y học - Gene Solutions cho biết thêm, bên cạnh các phương pháp tầm soát phổ biến như tự khám vú, chụp X-quang tuyến vú, siêu âm, chụp MRI... hiện nay phụ nữ có thêm một lựa chọn là thực hiện xét nghiệm gen. Đây là một trong những kỹ thuật mới góp phần cho biết nguy cơ mắc ung thư di truyền, từ việc xác định người thực hiện có mang đột biến của gen chính yếu đã được xác định là làm tăng nguy cơ phát triển ung thư như BRCA1, BRCA2 hay không.

Theo Tiến sĩ Giang Hoa, xét nghiệm gen có thể phát hiện đột biến trên 7 gen gây ung thư vú di truyền, cho biết nguy cơ mắc ung thư vú di truyền của người thực hiện. Điều này giúp người thực hiện tối ưu tầm soát định kỳ để phát hiện sớm bệnh và áp dụng các biện pháp phòng ngừa chủ động, giảm khả năng phát triển bệnh. Đối với ung thư vú, phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm giúp tăng tỷ lệ sống sau 5 năm đến 99% so với chỉ 27% ở trường hợp phát hiện muộn.

Kỹ thuật xét nghiệm gen.

Xét nghiệm gen là kỹ thuật mới giúp tầm soát sớm nguy cơ ung thư vú di truyền. Ảnh: Gene Solutions

Còn Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Phúc - Trưởng khoa Tuyến vú Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, thực hiện xét nghiệm gen để tầm soát sớm nguy cơ ung thư vú di truyền giúp bản thân người xét nghiệm có được những phương án tối ưu để phòng ngừa bệnh. Những người thân trực hệ của họ cũng có thể lên kế hoạch tầm soát chủ động, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời nhằm cải thiện tiên lượng. Áp dụng phương pháp xét nghiệm gen phát hiện nhóm đối tượng có nguy cơ cao với ung thư vú sẽ đóng góp rất lớn trong cuộc chiến chống ung thư vú hiện nay.

Tầm soát ung thư vú sớm bằng xét nghiệm gen hiện đại cũng được nhiều hiệp hội chuyên môn quốc tế như Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ (American Society of Clinical Oncology), Mạng lưới Ung thư Quốc gia Mỹ (National Comprehensive Cancer Network), Hiệp hội Ung thư Mỹ (American Cancer Society) khuyến cáo cho phụ nữ. Theo Bộ Y tế, phát hiện đột biến gen BRCA1/BRCA2 là cơ sở cho sàng lọc ung thư vú từ tuổi 30 nhằm có chiến lược phát hiện sớm và điều trị.

Xoay quanh vấn đề tầm soát ung thư vú, các thắc mắc của độc giả sẽ được giải đáp từ các chuyên gia và khách mời: Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Phúc - Trưởng khoa Tuyến vú, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM; Tiến sĩ, bác sĩ Phan Cảnh Duy - Phó trưởng Khoa Xạ trị, Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Cảnh Chương - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội; bà Nguyễn Thủy Tiên - Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam; Bác sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Đồng sáng lập Công ty Cổ phần Giải pháp Gene - Gene Solutions và nhà báo MC Thùy Minh. Chương trình kỳ vọng sẽ đưa ra những góc nhìn đa chiều về tầm soát sớm ung thư vú đồng thời cập nhật các phương pháp tầm soát ung thư vú hiện đại nhất hiện nay cho phụ nữ.

Hưởng ứng tháng hành động phòng, chống ung thư vú, ngày 1/10 vừa qua, Viện Di truyền Y học - Gene Solutions đã phối hợp cùng 3 bệnh viện triển khai chương trình vì cộng đồng "Tầm soát ung thư vú trọn vẹn: Yêu bản thân, đừng trì hoãn".

Chương trình dành tặng 300 suất tầm soát ung thư vú miễn phí từ gen đến hình ảnh, đặc biệt là với xét nghiệm gen oncoSure cho phụ nữ đến khám vú tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM (mỗi bệnh viện 100 suất) trong thời gian diễn ra chương trình (từ 1-31/10).

Nguồn:

https://vnexpress.net/toa-dam-ve-phuong-phap-moi-tam-soat-som-ung-thu-vu-4369064.html

Bá Thành - Tổ Truyền thông