Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Tránh viêm phụ khoa khi kinh nguyệt

Tránh viêm phụ khoa khi kinh nguyệt

Thường xuyên thay rửa băng vệ sinh, chọn đúng cốc nguyệt san, không nên tắm lâu là những biện pháp an toàn được khuyến cáo với chị em trong "ngày đèn đỏ".

Bác sĩ Diêm Thị Thanh Thủy, Trưởng khoa Khám Sản khoa tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết hiện tượng ra máu do bong niêm mạc tử cung hàng tháng ở phụ nữ, gọi là kinh nguyệt. Kinh nguyệt không phải chỉ có máu mà gồm máu từ niêm mạc, dịch tiết buồng tử cung... Hỗn dịch này không bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, hỗn dịch này trở thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển khi tiếp xúc với không khí, có thể đi ngược vào phần phụ của phụ nữ và gây bệnh.

Nhiều phụ nữ không có điều kiện đảm bảo vệ sinh trong ngày đèn đỏ do điều kiện lao động, thiếu nước, nguồn nước không đảm bảo hoặc vệ sinh không đúng cách, dẫn tới viêm nhiễm phụ khoa. Ban đầu có thể xuất hiện viêm âm hộ, âm đạo, lan đến cổ tử cung, vòi trứng, từ đó ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của người phụ nữ sau này.

Hiện có nhiều sản phẩm vệ sinh phụ nữ như băng vệ sinh, tampon và cốc nguyệt san... Theo bác sĩ Thủy, mỗi sản phẩm có một thời gian sử dụng khác nhau, hạn chế vi khuẩn phát triển. Băng vệ sinh cần thay rửa khoảng 3-4 tiếng một lần, bởi đây là thời gian vi khuẩn chưa kịp sinh sôi, phát triển. Khi thay rửa, không nên xối, xịt nước quá sâu vào bên trong âm đạo và dùng khăn sạch, lau khô, sau đó đóng băng vệ sinh mới. Rửa sạch tay trước khi thay băng vệ sinh.

Tampon đặt ở trong âm đạo, có cơ chế hút dịch rất mạnh khiến nhiều người cảm thấy khô, rát. Tampon cần được thay sau 4-6 giờ, tránh sử dụng qua đêm hoặc khi đi ngủ, tránh dùng lâu gây viêm nhiễm phụ khoa.

Cốc nguyệt san thích hợp với người đã quan hệ tình dục, không làm giãn rộng âm đạo hoặc trôi ngược vào bên trong. Khi sử dụng, cần lựa chọn cốc có kích thước vừa với âm đạo để cơ âm đạo thít giữ chặt cốc ở bên trong. Một lần sử dụng cốc 6-12 tiếng, phụ thuộc vào lượng kinh nguyệt nhiều hay ít. Nên thay cốc nguyệt san sau mỗi 12 tiếng hoặc khi cốc đầy, phòng nguy cơ nhiễm trùng.

Nên tắm rửa sạch sẽ và thường xuyên trong kỳ kinh nguyệt. Không nên ngâm mình trong bồn tắm quá lâu để tránh vi khuẩn xâm nhập vào sâu trong âm đạo. Trẻ mới dậy thì, bắt đầu có kinh nguyệt, người lớn cần tư vấn sản phẩm phù hợp và hướng dẫn vệ sinh đúng cách.

Nếu xuất hiện khí hư âm đạo, mùi khó chịu, mùi hôi, máu hành kinh có mùi bất thường hoặc có khí hư, là biểu hiện của viêm nhiễm phụ khoa. Bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân và điều trị hợp lý.

Nguồn:

https://vnexpress.net/tranh-viem-phu-khoa-khi-kinh-nguyet-4259560.html

https://www.msn.com/vi-vn/lifestyle/other/tr%C3%A1nh-vi%C3%AAm-ph%E1%BB%A5-khoa-khi-kinh-nguy%E1%BB%87t/ar-BB1fCGSe?li=AAF7bLv

Hà Trang - Tổ Truyền thông