Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Trong lúc mổ sinh, bác sĩ phát hiện sản phụ có túi thừa Meckel hiếm gặp

Trong lúc mổ sinh, bác sĩ phát hiện sản phụ có túi thừa Meckel hiếm gặp

Trong quá trình phẫu thuật, sau khi lấy thai, kíp mổ lau rửa ổ bụng và phát hiện viêm túi thừa Meckel bắt đầu có viêm hoại tử nên quyết định cắt bỏ. Theo các chuyên gia, trường hợp này rất dễ nhầm lẫn, bởi dấu hiệu của viêm túi thừa Meckel và trở dạ giống nhau.

Ngày 3/2, bác sĩ Chuyên khoa II Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2 (BV Phụ sản Hà Nội), cho biết, BV vừa cứu sống sản phụ N.T.H. (30 tuổi, ở Hà Nội) bị viêm túi thừa Meckel hiếm gặp.

Trước đó, sản phụ đến BV trong tình trạng thai 39 tuần, đau bụng ra máu, có dấu hiệu chuyển dạ. Tại BV, các bác sĩ kiểm tra thấy cổ tử cung đã mở, thai to nên chỉ định phẫu thuật lấy thai.

Trong quá trình phẫu thuật, sau khi lấy thai kíp mổ lau rửa ổ bụng và phát hiện viêm túi thừa Meckel bắt đầu có viêm hoại tử nên quyết định cắt bỏ.

c381f6435adbb985e0ca.jpg
Viêm túi thừa Meckel được các bác sĩ cắt bỏ

Theo bác sĩ Khải, nếu sản phụ bị viêm túi thừa Meckel khi mang thai thì bác sản khoa rất khó phát hiện. Cụ thể, khi mang thai, thai phụ không được chụp Xquang vì ảnh hưởng đến em bé. Do đó, bác sĩ siêu âm chỉ xác định sự phát triển của thai nhi. Hơn nữa, khi có thai, cấu trúc ổ bụng thay đổi nên rất khó phát hiện.

Với trường hợp của sản phụ H. cũng rất dễ nhầm lẫn, bởi dấu hiệu của viêm túi thừa Meckel và trở dạ giống nhau. Khi đến BV, sản phụ chưa có dấu hiệu ngoại khoa nên bác sĩ không phất hiện được. Tuy nhiên, sản phụ may mắn vì được kíp mổ phát hiện kịp thời, bởi nếu không sau mổ sẽ nhiễm trùng, áp xe ổ bụng phải mổ lại lần nữa ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sau phẫu thuật, sản phụ được nuôi ăn đường tĩnh mạch 1 tuần rồi xuất viện.

51356411_2266875086924505_1792120411866005504_n.jpg
Bác sĩ Lưu Quốc Khải, Trưởng khoa Đẻ A2, BV Phụ sản Hà Nội

Theo các chuyên gia, túi thừa Meckel là bệnh bẩm sinh xảy ra khi có túi nhỏ phình ra ngoài thành ruột non. Túi nhỏ này thường dài từ 2,5 đến 5cm. Túi thừa có thể được tạo nên từ mô giống với mô của dạ dày hoặc tụy. Nếu mô này là mô giống với dạ dày, chúng sẽ tạo axit dạ dày gây loét hoặc chảy máu niêm mạc ruột non. Ngoài ra, túi thừa Meckel và các túi thừa khác đều có thể bị viêm hoặc gây lồng ruột.

Người có túi thừa Meckel sẽ có biểu hiện đau bụng, phân có lẫn máu, buồn nôn và nôn mửa. Vì vậy, khi người dân bị đau bụng, choáng, thấy máu trong phân thì nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị và xử lý kịp thời.

Nguồn: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/trong-luc-mo-sinh-bac-si-phat-hien-san-phu-co-tui-thua-meckel-hiem-gap-post55254.html

https://baomoi.com/trong-luc-mo-sinh-bac-si-phat-hien-san-phu-co-tui-thua-meckel-hiem-gap/c/29568886.epi

Thu Linh - Tổ Truyền thông