Những phụ nữ mang thai có bệnh lý nền sẽ nặng hơn
COVID-19 đang làm ảnh hưởng và đảo lộn mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã ghi nhận 268 ca mắc COVID-19 trong đó có đủ mọi đối tượng từ phụ nữ, trẻ em, người cao cuổi đều đã ghi nhận mắc loại dịch bệnh này.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà không ít người quan tâm đó là phụ nữ mang thai khi mắc COVID-19 có nguy hiểm không và em bé trong bụng sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hương Trà - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết đến thời điểm hiện tại có rất ít thông tin về vấn đề này. Tuy nhiên từ những thông tin đã có, sản phụ nhiễm COVID-19 dường như không có triệu chứng nặng hơn so với các nhóm đối tượng khác.
Đối với phụ nữ mang thai có những bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh lý về phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường hay nhiễm HIV có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng nặng hơn.
Bác sĩ Hương Trà cho biết khi có triệu chứng trở nặng, khám và chăm sóc cấp cứu là biện pháp tốt nhất để hạn chế các biến chứng nặng cho thai phụ và thai nhi. Bác sĩ có thể đề nghị chụp X-quang nếu cần thiết. Khi mang thai mắc COVID-19 thuốc acetaminophen hay paracetamol sẽ an toàn cho thai nhi khi thai phụ bị sốt.
Thai nhi có nguy hiểm khi mẹ mắc COVID-19
Bác sĩ Hương Trà cho biết hiện virus SARS-CoV-2 chưa có bằng chứng về việc lây truyền từ mẹ sang con trong thai kỳ. Đồng thời, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy COVID-19 làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, cho dù một số thai phụ bị nhiễm trong thời gian nguy hiểm nhất từ khi có thai.
“Nếu sản phụ sốt cao quanh thời điểm 6 tuần của thai kỳ (tương ứng 4 tuần phát triển của thai), nguy cơ thai gặp vấn đề với não và cột sống sẽ cao hơn. Điều này không đặc hiệu đối với COVID-19, nhưng thường liên quan với sốt cho dù nguyên nhân là gì.
Tuy nhiên nguy cơ này vẫn rất thấp. Nghiên cứu cho thấy khoảng 2 trong số 1000 sản phụ có sốt trong giai đoạn đầu của thai kỳ có thai nhi gặp những vấn đề trên, so với 1 trong 1000 sản phụ không có sốt. Nên thực hiện siêu âm sàng lọc quý hai tại thời điểm 18 đến 22 tuần để loại trừ các vấn đề này”, bác sĩ Hương Trà cho hay.
Theo bác sĩ Trà, nguy cơ lớn nhất cho thai nhi là khi người mẹ nhiễm bệnh và chuyển dạ sớm hơn ngày dự sinh hoặc bác sĩ/nữ hộ sinh đề nghị kết thúc thai kỳ sớm hơn dự kiến vì thai nhi không khỏe do tình trạng của người mẹ xấu đi. Do đó, càng đến gần đến ngày dự sinh bao nhiêu, nguy cơ cho thai nhi sẽ càng giảm bấy nhiêu.
Trong trường hợp dương tính với COVID-19 và chuyển dạ sinh con, cơ thể của thai phụ có thể không đủ khả năng để thu nhận oxy như bình thường. Điều này làm cho thai nhi sẽ khó khăn hơn trong việc lấy oxy từ mẹ trong lúc chuyển dạ.
“Trong những trường hợp như thế này, chúng tôi khuyến cáo nên sinh tại bệnh viện để có những phương án theo dõi kỹ hơn hoặc trong trường hợp cần thiết có thể mổ lấy thai. Cho đến hiện tại, chưa tìm thấy lý do phải lựa chọn mổ lấy thai thay vì sinh thường nếu sản phụ nhiễm COVID-19, nếu không có lý do khác đi kèm”, bác sĩ Trà thông tin.
Bác sĩ Trà cũng cho biết, một vài nghiên cứu trên những virus tương tự cho thấy rằng, thai nhi có thể không phát triển tốt sau khi nhiễm virus giống như COVID-19. Đa số các chuyên gia đều khuyến cáo nên siêu âm ít nhất một lần sau khi khỏi bệnh 2 đến 4 tuần để đảm bảo rằng thai nhi đang phát triển tốt. Sau đó, nên làm siêu âm thường quy sau mỗi 2 – 4 tuần để đánh giá sự phát triển của thai nhi.
Nguồn: https://eva.vn/goc-chuyen-gia/truong-hop-nao-phu-nu-mang-thai-va-thai-nhi-bi-anh-huong-nang-ne-khi-mac-covid-19-c410a429089.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông