Tháng 6 năm 2020, trời nắng như đổ lửa, không khí oi bức, nhưng gặp chị N.T.Th anh N.V. Q ở Hải Hậu, Nam Định tại Khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học bệnh viện Phụ Sản Hà Nội lại khiến cho chúng tôi quên đi cái cảm giác khó chịu vì thời tiết đó mà hòa mình đồng cảm và sẻ chia vào với câu chuyện đi tìm con của anh chị.
Như bao cặp thanh niên cùng trang lứa, anh chị kết hôn năm 2015 do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh chị rời quê lên làm công nhân tại tỉnh Hưng Yên. Mang thai ngay sau kết hôn nhưng không may mắn, chị Thúy bị sảy thai. Năm 2016 lần 2 có bầu chị Thúy sinh được 1 bé gái đáng yêu trong niềm hạnh phúc của cả gia đình. Cuộc sống với đồng lương của anh chị là công nhân đã vất vả, giờ có thêm em bé lại vất vả hơn, nhưng mọi vất vả đều tan biến sau 1 ngày làm việc về nhà nhìn con yêu lớn lên.
“3 tháng biết lẫy, 6 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi”, anh chị mong từng thời điểm để được chứng kiến sự phát triển, lớn lên của con, thế nhưng càng mong thì lại càng thấy lo lắng và buồn tủi.Hơn 22 tháng chờ mãi chẳng thấy con đi được. Từ Hưng Yên anh chị bắt xe khách đưa con lên Bệnh viện Trung ương khám và “sét đánh ngang tai” khi Bs kết luận con bị mang gen đột biến gây ra thoái hóa cơ tủy. Bác sĩ nói: bệnh không chữa được, về chỉ chăm sóc con và cho con đi tập vật lý trị liệu. Anh chị cũng đã cố gắng thu xếp kinh tế trong gia đình, ngay lập tức đưa con đi chữa bệnh, mỗi tháng tập vật lý trị liệu cho con hết hơn 2 triệu đồng, nhưng cũng không có tiến triển gì mà đưa con đi tập, một trong hai bố mẹ lại phải nghỉ việc. Hoàn cảnh khó khăn lại khó khăn hơn. Bàn đi tính lại vì điều kiện không có cuối cùng anh chị đành đứt ruột dừng việc tập vật lý trị liệu cho con.
Chị T tâm sự, bác sĩ nói với em rằng bệnh của con em là bệnh teo cơ tuỷ, đây là bệnh thần kinh – cơ. Hiện tại trên thế giới, tần suất mắc bệnh là 1/10.000 và tần suất người mang gen bệnh là 1/50. Trường hợp bố và mẹ đều là người mang gen bệnh, nguy cơ sinh con bị bệnh là rất cao. Ý nghĩ có đứa con vui cửa vui nhà của anh chị vụt tắt và chẳng một tia hi vọng ít ỏi nào.
Thế rồi, cơ duyên đến với chị trong một lần trên Fanpage của nhóm thoái hóa cơ tủy có đăng tải thông báo về chương trình “Vì một niềm tin về hạnh phúc” của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội. Bệnh viện miễn phí chẩn đoán di truyền tiền làm tổ và miễn phí thụ tinh ống nghiệm IVF cho 20 cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chị reo lên vì hạnh phúc khi nói với anh: “chúng mình có cơ hội rồi chồng ơi”.
Các bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội thực hiện kỹ thuật chọc trứng cho bệnh nhân
Đăng ký với Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của bệnh viện, sau khi khám và làm các xét nghiệm BSCKII Phạm Thúy Nga – Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học cho biết: “trường hợp chị T và anh Q xét nghiệm cho thấy cả 2 anh chị đều mang gen bệnh thoái hóa cơ tủy. Xem xét hồ sơ, Ban lãnh đạo bệnh viện quyết định anh chị đủ điều kiện tham gia chương trình “Vì một niềm tin về hạnh phúc” của bệnh viện.
Sau đó, anh chị đến khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội để thực hiện chọc trứng – một kỹ thuật trong quá trình thụ tinh ống nghiệm. Niềm vui, niềm mong chờ hiện rõ trên gương mặt anh chị nhưng cũng không tránh khỏi những giọt nước mắt khi nhắc đến con gái lớn ở nhà. Anh Q thêm vào với câu chuyện của chúng tôi: “thực sự chúng em nghèo, không hiểu biết, nên không biết được thế nào là khám sức khỏe trước khi cưới. Hai đứa khỏe mạnh bình thường, hàng ngày đi làm yêu nhau thì đến với nhau thôi chứ ai mà ngờ được mọi chuyện như này. Rất may mắn cho chúng em được sự hỗ trợ của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội chúng em lại có hy vọng sinh được đứa con khỏe mạnh. Từ đáy lòng em xin trân thành cảm ơn Ban lãnh đạo và các y bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội”.
Không chỉ riêng vợ chồng anh Q, còn 16 cặp vợ chồng khó khăn, nữa cũng lại vừa được thắp nên niềm hi vọng về có một đứa con khoẻ mạnh chào đời.
Chia sẻ với chúng tôi về việc làm này, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho hay, từ thực tế trong công tác thăm khám và chăm sóc bệnh nhân, chúng tôi nhận thấy có quá nhiều những hoàn cảnh khó khăn trong hành trình tìm kiếm đứa con. Đặc biệt, có những cặp vợ chồng nhìn khoẻ mạnh nhưng ẩn trong mình những căn bệnh di truyền mà không thể biết được, mắc bệnh hiếm, kinh tế khó khăn nên con đường để có đứa con khoẻ mạnh với họ là một chặng đường có lẽ sẽ rất dài và gian nan. Chính vì điều đó, BV Phụ sản Hà Nội đã quyết định thực hiện chương trình “Vì một niềm tin hạnh phúc” với mong muốn nhờ ứng dụng của khoa học kỹ thuật để thắp thêm một tia hi vọng mới cho những người vốn đã rất thiệt thòi này.
“Chẳng dám nói là sứ mệnh mang đến một niềm hy vọng cho các cặp vợ chồng khó khăn này nhưng chắc chắn sự đồng hành, sẻ chia, trao niềm tin và khơi thêm nguồn hạnh phúc chính là con đường mà các cán bộ y bác sĩ BV Phụ sản Hà Nội đang đi..”.Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, Nguyễn Duy Ánh nói.
Xin vui lòng liên hệ:
1. Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh
Phòng 223 tầng 2 nhà B – Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội - 929 La Thành, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0326858585 (trong giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6)
2. Khoa Hỗ trợ sinh sản & Nam học
Tầng 8 nhà B - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội - 929 La Thành, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0328656565
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/vi-mot-niem-tin-hanh-phuc-bv-phu-san-ha-noi-khoi-them-nguon-hi-vong-cho-cac-cap-vo-chong-kho-khan-n176045.html
Hà Trang - Tổ Truyền thông