Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Vì sao phụ nữ mang thai nên sàng lọc tiền sản giật sớm?

Vì sao phụ nữ mang thai nên sàng lọc tiền sản giật sớm?

Tiền sản giật là một trong 5 tai biến sản khoa gây ra nhiều biến chứng nặng nề cho mẹ và thai nhi. Theo thống kê trên thế giới, tỷ lệ sản phụ mắc bệnh tương đối cao, chiếm khoảng 2-5% tổng số thai kỳ.

8h sáng, trước cửa phòng khám của Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã có nhiều sản phụ chờ để được khám và làm các xét nghiệm. Mỗi người một tâm trạng nhưng tâm lý chung vẫn là lo lắng về sức khỏe của con.

Nhà ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nên từ sáng sớm, Đỗ Trần Thục Anh đã đi xe đến BV Phụ Sản Hà Nội để khám thai. Trước đó 4 tuần, Thục Anh cũng đã làm sàng lọc trước sinh dị tật thai nhi. Lần này, chị làm thêm sàng lọc tiền sản giật. Được bác sĩ thông báo kết quả khám mẹ và con đều khỏe, chị Thục Anh thở phào nhẹ nhõm.

“Em thấy nhiều trường hợp mẹ mang thai khi sinh bị sản giật nguy hiểm nên em lo, muốn sàng lọc xem con có bị sao không, mình lo trước để phòng không ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Có em bé thì đầu tư để con an toàn hơn. Mẹ và con khỏe, giờ chỉ lo ăn uống sao cho khoa học dinh dưỡng đủ cho con phát triển khỏe mạnh” – chị Đỗ Trần Thục Anh thông tin.

Nhưng trong số những bệnh nhân đến khám sàng lọc, đã có không ít sản phụ được phát hiện huyết áp cao, nguy cơ cao bị tiền sản giật như trường hợp chị Nguyễn Thị Liên ở Hà Nội. Vậy là trong suốt quá trình mang thai, chị Liên tuân thủ việc điều trị của BS, dùng thuốc kiểm soát huyết áp, uống thuốc dự phòng và theo dõi thai nhi định kỳ. Đến tuần thứ 37 em bé được sinh ra khỏe mạnh, mẹ vượt cạn thành công trong niềm vui vỡ òa của cả nhà.

Khi đi khám chuyên khoa sản thấy bác sĩ bảo huyết áp cao quá. Hôm đó huyết áp lên 200 mmHg, bác sĩ bảo để rất nguy hiểm. Dùng thuốc và đều đo huyết áp hàng ngày, có lúc huyết áp cao thì điều chỉnh thuốc. Giữ được 37 tuần thì sinh. Đẻ xong huyết áp 180 mmHg và sốt phải điều trị 2 ngày ở bệnh viện” – Chị Nguyễn Thị Liên chia sẻ.

Theo TS.BS Đinh Thúy Linh – Giám đốc Trung tâm sàng lọc trước sinh và sơ sinh, BV Phụ Sản Hà Nội, tiền sản giật là bệnh lý xuất hiện trong thời gian mang thai, thường xảy ra trong giai đoạn sau 20 tuần của thai kỳ và có thể kéo dài sang 6 tuần sau sinh.

Bệnh lý này có thể xảy ra ở bất cứ thai phụ nào, tuy nhiên những phụ nữ mang thai đầu tiên, sinh con khi ngoài 35 tuổi, bị béo phì, mắc bệnh lý mạn tính như thận, đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống thì có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn những thai phụ khác.

Bệnh lý này có 3 nhóm triệu chứng điển hình: Thứ nhất là tăng huyết áp. Thứ hai là phù, đầu tiên là phù ở chân, sau đó xuất hiện tình trạng phù toàn thân. Thứ ba là xét nghiệm thấy bệnh nhân có protein trong nước tiểu. Ngoài ra, với những bệnh nhân bị tiền sản giật nặng, có biến chứng thì có thể xuất hiện thêm các dấu hiệu suy chức năng gan, thận, thậm chí thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai lưu hoặc có biến chứng như rau bong non. Một số trường hợp khi bị sản giật xảy ra thì nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ và thai nhi.

Sản phụ bị huyết áp cao có nguy cơ cao bị tiền sản giật

Sản phụ bị huyết áp cao có nguy cơ cao bị tiền sản giật

Sàng lọc tiền sản giật sớm để điều trị dự phòng, tránh nguy cơ xảy ra

TS.BS Đinh Thúy Linh cho biết: Trước đây, không có cách nào phát hiện sớm bệnh lý tiền sản giật mà chỉ đến khi bệnh lý xảy ra thì bác sĩ mới điều trị triệu chứng để duy trì tuổi thai kéo dài thêm, ổn định tình trạng người mẹ và có thể cho thai nhi cứng cáp hơn. Việc điều trị chỉ kết thúc khi đã hết giai đoạn thai kỳ. Nhưng với sự phát triển của y học hiện đại ngày nay, ngay từ giai đoạn 11-14 tuần tuổi, thai phụ đã có thể làm các xét nghiệm sàng lọc bệnh tiền sản giật.

“Những năm trở lại đây, chúng tôi có phương pháp xét nghiệm để có thể sàng lọc được bệnh lý này từ giai đoạn rất sớm của thai kỳ, từ 11-14 tuần và đã có thể phát hiện ra những thai phụ có nguy cơ cao khởi phát bệnh lý này. Khi sản phụ bị bệnh này thì các bác sĩ sẽ điều trị dự phòng. Hiện nay, điều trị dự phòng bằng aspirin và liều khuyến cáo quanh mức là 150mg và dùng sau bữa ăn vào buổi tối và điều trị dự phòng sẽ diễn ra trước 15 tuần, ngay sau khi có kết quả sàng lọc và thời điểm kết thúc điều trị dự phòng sẽ là 36 tuần” – TS.BS Đinh Thúy Linh cho biết.

Cũng theo TS.BS Đinh Thúy Linh, việc xét nghiệm sàng lọc sớm có thể giảm đáng kể tỷ lệ thai phụ mắc bệnh này. “Với tiền sản giật khởi phát trước 32 tuần thì có thể giảm tỷ lệ tiền sản giật xuống hơn 80% và tỷ lệ tiền sản giật sinh non trước 37 tuần lên đến hơn 60 đến gần 70%” – TS.BS Đinh Thúy Linh nhận định.

Ở Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, quy trình sàng lọc tiền sản giật được tiến hành theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt, gồm 4 bước: Khai thác về tiền sử (yếu tố thông tin của thai phụ, bao gồm cả chiều cao cân nặng, các bệnh lý nội khoa, tuổi, dịch tễ có tăng huyết áp, đái tháo đường hay bệnh lý mạn tính khác), đo doppler động mạch tử cung để đánh giá doppler động mạch tử cung hai bên, đo huyết áp hai tay, siêu âm bụng đo chỉ số xung động mạch tử cung.

“Với những bn muốn làm xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật thì tất cả các thai phụ nên thực hiện sàng lọc tiền sản giật, không nhất thiết là những người có nguy cơ cao là con so hay béo phì, bệnh lý toàn thân… Thời điểm sàng lọc rơi đúng vào thời điểm các sản phụ làm siêu âm 4 chiều, đo độ mờ da gáy hoặc đo doppler thì làm luôn vào thời điểm đấy. Như vậy là một lần lấy máu, các sản phụ có thể làm được tất cả các xét nghiệm cùng một lúc, thời điểm dao động khoảng 11 đến 14 tuần, nếu có nguy cơ cao thì điều trị dự phòng luôn” – TS.BS Đinh Thúy Linh khuyến cáo.

Nguồn: https://vov2.vov.vn/suc-khoe/vi-sao-phu-nu-mang-thai-nen-sang-loc-tien-san-giat-som-48856.vov2

 

Tổ Truyền thông