Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN VÀ CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG NĂM 2017

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN VÀ CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG SUY DINH DƯỠNG NĂM 2017

Ngày 19/12/2017, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản – cải thiện tình trạng dinh dưỡng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Ngày 19/12/2017, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản – cải thiện tình trạng dinh dưỡng năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Tới dự có PGS.TS Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Ths. Trần Thị Phương – Vụ Sức khỏe Bà Mẹ trẻ em Bộ Y tế, đại diện Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Dinh dưỡng. Về phía bệnh viện Phụ Sản Hà Nội có PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc bệnh viện; Ths.BS Nguyễn Thị Thu Hà  - Phó giám đốc bệnh viện; TS.BS Phạm Xuân Anh – Giám đốc Trung tâm khám, điều trị SPK và CSSKSS cơ sở 2 Cảm Hội cùng đại diện lãnh đạo các phòng ban trong bệnh viện và 30 lãnh đạo, thư ký chương trình 30 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội.

Năm 2017 là năm đầu tiên hai trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội ( cơ sở 2) và Hà Đông ( cơ sở 3) sát nhập về bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và cở sở 2 được phân công tiếp nhận toàn bộ hoạt động mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản và phòng chống suy dinh dưỡng của 30 quận, huyện toàn thành phố. Mạng lưới cung cấp dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản và mạng lưới cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em đã được kiện toàn từ thành phố đến 30 quận huyện đều đã có các khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản, các trạm y tế xã, phường, thị trấn và phòng khám đa khoa đều có cán bộ chuyên trách  triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Thực hiện đào tạo cập nhật kiến thức và cấp giấy chứng nhận cho cán bộ mạng lưới tuyến quận, huyện về các tiêu chuẩn người đỡ đẻ có kỹ năng và quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã tổ chức 12 lớp cho 240 học viên là những cán bộ tuyến quận, huyện chưa được đào tạo trong năm 2016. Bên cạnh đó lồng ghép triển khai cập nhật kiến thức tài liệu chuyên môn cho cán bộ mạng lưới về các tai biến sản khoa, hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của Bộ Y tế.

IMG_8412

Các chỉ tiêu chính, cơ bản phản ánh chất lượng dịch vụ Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em năm 2017 như: tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai>3 lần trong 3 thời kỳ, tỷ lệ bà mẹ sinh có cán bộ y tế hỗ trợ, tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đều được duy trì so với các năm trước, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi ( cả thể nhẹ cân và thể thấp còi) đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra. Năm 2017 toàn thành phố có khoảng 106.387 phụ nữ đẻ, tỷ lệ quản lý thai đạt 99,9%. Số phụ nữ khám thai 3 lần/3 thời kỳ đạt 105.064 người chiếm 98,7%. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh đạt 99,6%.

Năm 2017 các ca tử vong mẹ và tử vong phụ nữ trong độ tuổi 15-49 được thống kê và thẩm định theo quy trình hướng dẫn tại quyết định số 4869/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Số ca được thống kê là 3 ca, tỷ xuất tử vong mẹ là 2,8 ( KH14/100.000 trẻ đẻ sống). 

Các số liệu đạt được năm 2017 với hoạt động Chăm sóc sức khỏe sinh sản:

  1. Tỷ lệ quản lý thai: 99,9%
  2. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai>3 lần/3 thời kỳ: 98,7%
  3. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc: 100%
  4. Tỷ lệ phụ nữ đẻ và trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh: 99,6%
  5. Tỷ suất chết mẹ/ 100.000 trẻ đẻ sống: 2,8%

Các số liệu đạt được năm 2017 với hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em:

  1. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng:
  • Cân nặng trên tuổi: 8,5%
  • Chiều cao trên tuổi: 13,6%
  1. Tỷ suất chết TE<1 tuổi: 2,2%
  2. Tỷ xuất chết TE <5 tuổi: 2,7%
  3. Tỷ lệ trẻ sơ sinh,2500g: 1,6%

IMG_8400

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh – Chủ nhiệm chương trình Chăm sóc sức khỏe sinh sản – Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em của thành phố  Hà Nội, Phó giám đốc Sở Y tế: bên cạnh những công việc đã làm được thì Hà Nội còn gặp rất nhiều khó khăn. Hà Nội có dân số gần 7,5 triệu người nhưng dân số cơ học gần 10 triệu người. Chúng ta đã hợp nhất 2 tỉnh, thành phố Hà Đông và Hà Nội gần 10 năm nhưng sự chênh lệch và khác biệt về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình trạng trạng suy dinh dưỡng  khá lớn. Hà nội cũng bắt đầu già hóa dân số. Các khu công nghiệp phát triển nhanh kéo theo là số lượng nữ công nhân lao động cũng tăng... Chương trình mục tiêu quốc gia cắt giảm nguồn kinh phí nên Hoạt động hoàn toàn đến thời điểm này là kinh phí của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên thành phố cũng đã đạt được kết quả tốt: 5 chỉ tiêu của chăm sóc sức khỏe sinh sản và 4 chỉ tiêu của cải thiện tình trạng dinh dưỡng đều đạt và vượt mức so với chỉ tiêu đặt ra. Kế hoạch năm 2018 Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cần tập trung vào các đối tượng đa dạng hơn như  chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, khám sức khỏe tiền hôn nhân, đối tượng người cao tuổi, tiền mãn kinh, mãn kinh, chăm sóc skss cho công nhân khu công nghiệp bên cạnh những đối tượng “ truyền thống”. Về dinh dưỡng cần quan tâm hơn đến việc tư vấn dinh dưỡng cho trẻ em...

IMG_8375

PGS.TS. BS Nguyễn Duy Ánh  - Giám đốc bệnh viện Phụ Sản Hà Nội – Phó chủ nhiệm Hoạt động đã  tiếp thu ý kiến  của các cấp lãnh đạo và cũng đảm bảo với lãnh đạoTrung ương và thành phố: khi hoạt động đã giao cho bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, bằng sự quyết tâm của cán bộ nhân viên bệnh viện cùng sự phối hợp của lãnh đạo các Trung tâm Y tế quận, huyện và các thư ký chương trình cho dù trong hoàn cảnh nào thì cán bộ nhân viên bệnh viện cũng làm tốt nhiệm vụ được giao. Bệnh viện có chuyên môn vững vàng sẵn sàng hỗ trợ tuyến quận, huyện nâng cao chuyên môn...

Kết thúc Hoạt động năm 2017 Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã trình Sở Y tế tặng giấy khen cho 11 đơn vị và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong Hoạt động này. Năm 2018 Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội sẽ tổ chức triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em một cách toàn diện theo định hướng của Trung ương phù hợp với tình hình của thành phố nhằm cải thiện sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số và sự phát triển của người dân thủ đô.

 

Phòng Công Tác Xã Hội