Phương pháp ủ ấm KMC là tiếp xúc da kề da giữa mẹ/bố với bé, đem lại rất nhiều ích lợi cho mẹ và bé. Phương pháp này đặc biệt có tác dụng với trẻ sinh non – là những em nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong chăm sóc và điều trị do bệnh lý phức tạp, trẻ quá nhỏ, sức đề kháng thấp. Mục đích của lớp học là hướng dẫn các mẹ, bố, người thân của trẻ biết và thực hành tốt kỹ năng KMC trên mô hình búp bê trước khi được chăm sóc con, cháu mình bằng phương pháp KMC.
Tại lớp học, học viên được giới thiệu phương pháp thực hành chăm sóc trẻ KMC, bao gồm lợi ích, yêu cầu, cách thực hiện. Ngoài ra, học viên được giải thích việc lợi ích nuôi con bằng sữa mẹ, khuyến khích nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Nhân viên y tế khoa Sơ sinh hướng dẫn học viên tỉ mỉ về các kỹ năng thao tác trong quá trình chăm sóc trẻ bằng phương pháp KMC trên mô hình búp bê và vú giả theo 4 bảng kiểm :
- Đặt trẻ vào tư thế KMC đúng
- Massage vú và vắt sữa, cho trẻ ăn sữa bằng thìa, cốc, khi trẻ trong tư thế KMC.
- Hướng dẫn cho trẻ bú mẹ đúng cách, hiệu quả trong tư thế KMC
- Hướng dẫn phòng chống nhiễm khuẩn và phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm của trẻ.
Đây là 4 nội dung học viên phải thực hành nhuần nhuyễn với mô hình búp bê sau đó mới áp dụng với trẻ sơ sinh.
Mỗi bé trước khi được chuyển vào khu điều trị KMC của khoa Sơ sinh phải có 2 người nhà là mẹ, bố, bà hay người thân trực tiếp chăm sóc trẻ được tham gia lớp KMC. Học viên tham dự lớp học phải đủ điều kiện: là người thân của trẻ, có đủ sức khỏe, ko mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da, tự nguyện, nhiệt tình tham gia lớp KMC.
Lớp học với khoảng 10-15 học viên tham gia và được tổ chức 1-2 buổi/tuần tại phòng 215 nhà B, bắt đầu từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút.
Các gia đình đều rất phấn khởi đăng kí tham gia. Mỗi mẹ đều có một người nhà đi cùng và cũng được huấn luyện để có thể thay thế mẹ bất cứ lúc nào. Các bố tâm sự, dù ban đầu hơi ngại vì lớp học chủ yếu là các mẹ nhưng vì con nên vượt qua, khi tới lớp thấy các bố khác thì càng có động lực tham gia.
Hà Trang - Tổ Truyền thông