- Chị có mấy con rồi ạ?
- Dạ em chưa có con nào bác sỹ ạ.
- Vậy mình mang thai lần này là lần đầu tiên đúng không ạ?
- Dạ em mang thai lần thứ 5 rồi bác sỹ ạ. Hai lần đầu em bị sảy , lần thứ 3 em được 6 tháng thì bị lưu. Mãi mấy năm em không chửa được, hai vợ chồng vay mượn làm IVF nhưng không đậu. Lần này em lại có tự nhiên bác ạ.
Cuộc hội thoại này diễn ra 5 năm trước khi tôi khai thác tiền sử cho một bệnh nhân đến làm hồ sơ để chị thực hiện thủ thuật chọc ối vì thai có nguy cơ cao với Hội chứng Down. Hai vợ chồng chị đến từ một tỉnh nghèo ở miền Trung, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Anh chồng bị câm điếc bẩm sinh, chỉ làm việc tự do tại nhà, ai thuê gì làm nấy . Chị vợ làm công nhân ở nhà máy , mọi thu nhập của gia đình phụ thuộc phần lớn vào chị. Chị phát hiện thai có guy cơ cao từ tuần 16 nhưng mãi đến tuần thai thứ 21 hai vợ chồng mới khăn gói ra Hà Nội để khám được vì không có đủ tiền . Thời điểm đó dù đã có rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhưng chị là người đầu tiên có hoàn cảnh éo le đến vậy . Chúng tôi chẳng nói gì ngoài việc bảo nhau xin ý kiến lãnh đạo để xin các hỗ trợ thiết thực nhất từ phía bệnh viện dành cho trường hợp chị, tất cả chúng tôi ai cũng hy vọng may mắn sẽ ở lại với họ.
Ngày chọc ối tôi cũng là người phụ bác sỹ trực tiếp, lên bàn thủ thuật chị nắm chặt tay tôi. Chị bảo chị không đau nhưng chị sợ. Sợ kết quả không tốt, sợ em bé khổ.
Khi kết quả em bé có bất thường về nhiễm sắc thể số 21 chúng tôi vội vã gọi điện để anh chị đến lấy và nghe tư vấn vì khi đó thai của chị cũng đã ở tuần thai thứ 25. Ngày anh chị đến nhận kết quả hai vợ chồng chỉ im lặng khi nghe bác sỹ tư vấn về tình trạng thai và những gì mà sẽ phải đối mặt khi nuôi dưỡng một em bé bị Down. Anh không nghe, không nói được nhưng ánh mắt của anh đượm buồn và có chút rơm rớm. Chị chỉ lặng lẽ thở dài và quyết định sẽ giữ thai vì trải qua bao biến cố mới lại có một sinh linh đến với họ nên dù em bé có thể nào họ cũng vẫn sẽ để con ở lại. Gia đình chị xin khám và tiếp tục theo dõi thai ở quê vì không có điều kiện lên Hà Nội nữa. Trước khi ra về chị bảo" Gia đình em cảm ơn các bác vì đã hỗ trợ chúng em rất nhiều trong thời gian qua, em cũng biết là sẽ vất vả, sẽ khổ nhưng con cái nó là cái duyên. Trời ban sao chúng em nhận
vậy. Có thế nào thì cũng vẫn là con mình". Tôi nhớ mãi hình ảnh của hai vợ chồng chị khi đi ra khỏi phòng tư vấn ngày hôm đó. Lầm lũi, khắc khổ và buồn.
Cách đây 2 năm vô tình tôi gặp lại chị trong một group dành cho những bà mẹ có con mắc bệnh Down. Chị chia sẻ hình ảnh và kinh nghiệm chăm sóc em bé VIP của mình ( cái tên dành cho những em bé đặc biệt). Anh chị già đi nhiều nhưng trên môi họ là nụ cười bên cạnh cậu con trai nhỏ. Tất cả chúng tôi những người đã có cơ hội tiếp xúc, thăm khám cho chị ngày ấy đều cảm thấy nhẹ nhõm vì dù sao họ cũng đã hạnh phúc với lựa chọn của mình.
Công tác tại bệnh viện 15 năm, dù đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện, nhiều hoàn cảnh, chẳng ai giống ai nhưng câu chuyện về anh chị làm tôi nhớ hơn cả. Sự dũng cảm, nghị lực và ý chí vượt qua nghịch cảnh của họ khiến ai nghe được cũng đều cảm thấy khâm phục. Tôi thấy may mắn vì đã được chứng kiến câu chuyện của anh chị. Được nghe, được thấy để biết rằng mình đang may mắn hơn rất nhiều người. Họ là minh chứng cho câu nói” Yêu thương là giải pháp cho tất cả những vấn đề của con người. Nó không có hình dạng, nó không có giá trị, nó không có giới hạn”.
Chẩn đoán trước sinh là một lĩnh vực nhạy cảm, những người sắp làm mẹ đến với chúng tôi đều mang theo tình yêu và hy vọng vào tương lai tốt đẹp. Họ hy vọng con mình sẽ ổn, hy vọng may mắn sẽ ở lại. Và chúng tôi mỗi ngày đi làm cũng đều mang tới những nỗ lực hết mình để có thể chăm sóc, sẻ chia với người bệnh trong lúc họ yếu đuối và dễ tổn thương nhất, mang tới cho họ hy vọng về một tương tai tốt đẹp.
Cuộc sống luôn mang trong mình hy vọng. Khi cuộc sống đặt trước bạn hàng ngàn lý do để khóc, hãy cho cuộc sống thấy rằng bạn có hàng ngàn lý do để mỉm cười. Và mong bạn hãy luôn nhớ rằng "Nơi đâu có tình yêu, nơi đó có sự sống"
Điều dưỡng Trần Tân Phương - TT Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh & sơ sinh