Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

TỌA ĐÀM CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG BỆNH VIỆN

TỌA ĐÀM CÔNG TÁC XÃ HỘI TRONG BỆNH VIỆN

Nhân kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3/2018, sáng ngày 26/3/2018 Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tổ chức tọa đàm “Công tác xã hội trong bệnh viện”.

Nhân kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3/2018, sáng ngày 26/3/2018 Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tổ chức tọa đàm “Công tác xã hội trong bệnh viện”.
Buổi toạ đàm nhằm mục đích giúp cho cán bộ màng lưới hiểu rõ hơn về công tác xã hội trong bệnh viện, để giúp hỗ trợ người bệnh và nhân viên y tế trong giải quyết các vấn đề tâm lý, xã hội cho người bệnh và người nhà bệnh nhân, hỗ trợ, tư vấn cho người bệnh về quyền, lợi ích hợp pháp, cũng như các nghĩa vụ của người bệnh nằm nội trú như: bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội; cung cấp thông tin, tư vấn cho người bệnh; hỗ trợ thủ tục chuyển tuyến, xuất viện, hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn… hướng tới góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh
IMG_1770
Tới dự tọa đàm có PGS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc bệnh viện, TS Phạm Tiến Nam – Trưởng khoa Công tác xã hội, trường đại học Y tế Công cộng cùng các lãnh đạo khoa phòng chức năng và màng lưới cán bộ làm công tác xã hội trong bệnh viện.
IMG_1796
Tại buổi tọa đàm TS Phạm Tiến Nam đã trao đổi về công tác xã hội (CTXH) trong bệnh viện, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với người thân, giữa người bệnh với những người xung quanh và với nhân viên y tế. Do đó, trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bệnh viện là nơi cần có hoạt động của CTXH nhất. Ở các nước phát triển, hầu hết các bệnh viện đều có phòng CTXH. Sự hỗ trợ của nhân viên CTXH đã làm tăng thêm sự hài lòng của người bệnh và gia đình người bệnh khi đến điều trị tại bệnh viện. Thực tế cho thấy, một số bệnh viện đã triển khai hoạt động xã hội để giúp đỡ người bệnh. Hầu hết các bệnh viện trong cả nước, nhất là các bệnh viện tuyến trên thường xuyên trong tình trạng quá tải. Nhân viên y tế không có đủ thời gian và khả năng để giải quyết nhiều nhu cầu bức xúc của bệnh nhân như hướng dẫn giải thích về quy trình khám chữa bệnh, tư vấn về phác đồ điều trị, cách phòng ngừa bệnh tật cho đến hỗ trợ về tâm lý, tinh thần cho người bệnh, khai thác thông tin về đặc điểm nhân khẩu xã hội của người bệnh, cung cấp thông tin về giá cả, chất lượng, địa điểm của các loại dịch vụ… thực trạng này đang dẫn đến không ít những phiền hà cho người bệnh như: Sự thiếu hụt thông tin khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh, sự không hài lòng của bệnh nhân đối với các cơ sở y tế… Hoạt động CTXH ở bệnh viện sẽ giúp cho mối quan hệ giữa nhân viên y tế và người bệnh, thân nhân người bệnh tốt hơn. Đây là một bước phát triển mới trong công tác chăm sóc và phục vụ người bệnh.
Ths.BS Vũ Thị Thu Hiền – trưởng phòng Công tác xã hội bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cũng đã báo cáo việc triển khai CTXH trong bệnh viện 2 năm qua. Công tác xã hội trong bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thời gian qua là các hoạt động hỗ trợ người bệnh, người nhà người bệnh và các nhân viên y tế trong bệnh viện nhằm giải quyết các vấn đề xã hội và tâm lý liên quan đến bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh. Mục đích để hỗ trợ các nhóm đối tượng khắc phục những khó khăn về xã hội để đạt được hiệu quả chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Nhân viên CTXH trong bệnh viện Phụ Sản Hà Nội là cầu nối để giải quyết các mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế, giữa bệnh nhân và bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân…Bên cạnh đó phòng làm tốt các công tác khác như chăm sóc khách hàng, truyền thông giáo dục sức khỏe, an sinh xã hội, quan hệ quốc tế…
IMG_1803
Tọa đàm cũng nhận được nhiều những chia sẻ thuận lợi, khó khăn những kinh nghiệm trong hoạt động công tác xã hội tại các khoa phòng trong bệnh viện. Điều dưỡng trưởng khoa D3 Nguyễn Thị Minh Hòa đã chia sẻ về việc thay đổi, cải tiến phương pháp chăm sóc người bệnh tại khoa D3 nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh và người nhà bệnh nhân.Cũng tại buổi tọa đàm THS.BS Trần Anh Đức – khoa A3 nêu bật lên công các hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn của khoa trong năm qua, chăm sóc hỗ trợ bệnh nhân nghèo cả vật chất lẫn tinh thần để bệnh nhân yên tâm điều trị. Điều dưỡng Phó Thị Như Quỳnh khoa A4 cũng chia sẻ những hỗ trợ của khoa sản bệnh A4 đối với những phụ nữ tàn tật mang thai... Tại tất cả các khoa trong bệnh viện công tác xã hội ngày càng được quan tâm và phát triển.
Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm PGS.TS Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc bệnh viện đã khẳng định vị trí quan trọng của công tác xã hội trong bệnh viện. CTXH có vai trò quan trọng, không chỉ hướng dẫn, chia sẻ, giúp đỡ, kêu gọi cộng đồng hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, mà CTXH còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa tinh thần và thể chất của người bệnh, giữa người bệnh với thân nhân giữa người bệnh với những người xung quanh và với thầy thuốc, nhân viên y tế. Không những thế, CTXH còn là địa chỉ kết nối thông tin về giáo dục sức khỏe thông qua việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để truyền thông ra cộng đồng... Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã đang và sẽ luôn luôn quan tâm phát triển hoạt động của phòng Công tác xã hội góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh và xây dựng hình ảnh của bệnh viện ngày một hoàn thiện hơn.
Phòng công tác xã hội