AMH là gì?
AMH là một hormon được tiết ra từ các tế bào hạt của các nang noãn tiền hốc và nang noãn có hốc ở buồng trứng bắt đầu từ lúc thai 36 tuần tuổi. Các nang noãn có hốc tiếp tục chế tiết AMH cho đến giai đoạn có kích thước khoảng 4-6mm. Sau đó, các nang noãn ở buồng trứng bắt đầu trở nên nhạy cảm với FSH từ khoảng giai đoạn này trở đi, hoặc có thể sớm hơn (từ kích thước 2mm trở lên).
Hiện tượng lão hóa của buồng trứng
Hiện tượng lão hóa buồng trứng là sự giảm số lượng và chất lượng noãn ở buồng trứng theo thời gian. Mặc dù tuổi mãn kinh trung bình ở người là vào khoảng 50 tuổi, 1/10 phụ nữ sẽ mãn kinh trước 45 tuổi và 1 phần 100 có thể mãn kinh trước 40 tuổi.
Như vậy, xét nghiệm AMH nhiều lần theo thời gian có thể giúp đánh giá số noãn còn lại ở buồng trứng và diễn tiến của hiện tượng lão hóa của buồng trứng. Từ đó, xét nghiệm này có thể dùng để chẩn đoán khả năng sinh sản và tiên lượng thời gian cần can thiệp điều trị để có con.
AMH để tiên lượng khả năng sinh sản trong tương lai
Một số nghiên cứu cho thấy AMH có mối liên quan đến khả năng sinh sản và khả năng đáp ứng với kích thích buồng trứng, đặc biệt trong những trường hợp giảm dự trữ buồng trứng (phụ nữ lớn tuổi).
AMH giảm dần theo thời gian với tốc độ khác nhau ở mỗi người. Do đó, xét nghiệm AMH và sau đó thử lại nhiều lần theo thời gian có thể giúp tiên lượng khả năng có thai còn lại và tốc độ lão hóa của buồng trứng. Từ đó, có thể tư vấn cho phụ nữ thời điểm thích hợp để có thai tự nhiên hoặc can thiệp điều trị hỗ trợ sinh sản.
Tiên lượng tuổi mãn kinh
Ở phụ nữ, AMH được xem là xét nghiệm liên quan đến sự lão hóa của buồng trứng. AMH giảm dần cho đến khi không còn phát hiện bằng xét nghiệm vào tuổi mãn kinh.
Ở những trường hợp suy buồng trứng sớm hay mãn kinh sớm, AMH giảm nhanh và mất rất sớm. Do đó, xét nghiệm AMH có thể giúp chẩn đoán và tiên lượng sự khởi phát của hiện tượng mãn kinh ở phụ nữ để có thể chủ động sử dụng các hormon thay thế, làm giảm nguy cơ loãng xương và các bệnh tiền mãn kinh và mãn kinh sớm ở phụ nữ.
Tiên đoán tổn thương buồng trứng sau phẫu thuật và sau điều trị ung thư
AMH được xem là một xét nghiệm nhạy cảm với các thay đổi về số nang noãn ở buồng trứng hay dự trữ buồng trứng. Do đó, AMH có thể sử dụng như một dấu hiệu phát hiện sớm, đáng tin cậy và trực tiếp cho các tổn thương ở mô buồng trứng sau phẫu thuật hoặc sau điều trị ung thư. Chỉ định phẫu thuật trên buồng trứng ngày càng tăng do sự phổ biến rộng rãi của phẫu thuật nội soi trong phụ khoa. Song song đó, việc sử dụng đốt điện để cầm máu và thủ thuật cắt, bóc tách trên buồng trứng có nguy cơ làm giảm số lượng nang noãn hiện có ở buồng trứng.
Mặc dù không có phương pháp nào có thể làm phục hồi lại dự trữ buồng trứng nếu phát hiện AMH giảm nhiều sau phẫu thuật. Tuy nhiên, thông tin về dự trữ buồng trứng bất lợi sau phẫu thuật có thể giúp tư vấn bệnh nhân chiến lược điều trị thích hợp để có thể có con bằng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiên tiến và hiện đại, góp phần mang lại hạnh phúc làm cha, làm mẹ cho các cặp vợ chồng mong con.
Xét nghiệm AMH là một trong những xét nghiệm quan trọng bậc nhất đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Xét nghiệm này giúp bác sĩ tiên lượng, tư vấn và can thiệp hỗ trợ sinh sản, giúp các cặp vợ chồng có được thiên chức làm cha, làm mẹ.
Bên cạnh đó, việc sử dụng xét nghiệm AMH tiên lượng khả năng có thai trong tương lai có thể giúp những người phụ nữ trẻ, độc thân, giảm dự trữ buồng trứng sớm có kế hoạch đông lạnh noãn để sử dụng sau này khi lập gia đình. Vì vậy, các cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn hay chuẩn bị có kế hoạch sinh em bé nên đi khám và kiểm tra khả năng sinh sản để có kế hoạch điều trị kịp thời.
TẠI BỆNH VIỆN PHỤ SẢN HÀ NỘI - tỷ lệ có thai của bệnh nhân hiếm muộn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tăng lên tới 72%.
Liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay để được các bác sĩ tư vấn và đặt lịch khám.
ĐẶT LỊCH KHÁM NGAY: 19006922 - Nhánh số 1
Hotline: 0328.65.65.65
Địa chỉ: Tầng 3 - Nhà B - Số 929 - Đường La Thành - Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội
website: http://benhvienphusanhanoi.vn/dat-lich-kham/
Fanpage: Hỗ trợ sinh sản và Nam Học - PSHN
Nguồn: Khó Hỗ trợ sinh sản & nam học
Thu Linh - Tổ Truyền thông