Bệnh thalassemia đặc biệt phổ biến ở người Châu Phi, Địa Trung Hải hay Đông Nam Á. Việt Nam hiện có khoảng 13 triệu người, tương đương 13% dân số, mang gen bệnh thalassemia. Trong đó, tỷ lệ người dân đồng bào dân tộc miền núi chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20- 40%. Mỗi năm có khoảng hơn 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó khoảng hơn 2.000 trẻ bị bệnh nặng.[1]
Riêng 6 dân tộc chủ yếu ở miền núi phía Bắc như Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao và H’Mông thì tỷ lệ mang gen và mắc bệnh khá cao như: 26,1% ở dân tộc Tày; 25,5% ở dân tộc Dao, 24,7% ở dân tộc Nùng… Đặc biệt, tại Sơn La, dân tộc Xinh Mun có tỷ lệ mang gen bệnh rất cao, lên tới hơn 80%. Tại các địa bàn này, ước tính mỗi năm, khoảng 100.000 trẻ ra đời thì có khoảng 250 trường hợp thai nhi bị phù (không thể sống), khoảng 200 trẻ bị bệnh ở mức độ trung bình đến nặng - là những bệnh nhân sẽ phải điều trị cả đời.[2]
Có thể nói thalassemia được đánh giá là căn bệnh di truyền có tỷ lệ mắc cao nhất trên thế giới. Ngày 8 tháng 5 hàng năm cũng được chọn là ngày Ngày Quốc tế Thalassemia (International Thalassaemia Day) để nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh thiếu máu bẩm sinh, cũng như kết nối các y - bác sĩ đã và đang nghiên cứu, điều trị căn bệnh này, góp phần thay đổi và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân thalassemia.
Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của y học hiện đại, đã có những tín hiệu khả quan trong việc kiểm soát và điều trị bệnh thalassemia, đặc biệt là khả năng tầm soát, phát hiện sớm và sử dụng các biện pháp điều trị công nghệ cao như liệu pháp Tế bào gốc.
Việc sử dụng tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn gần đây rất được quan tâm. Phương pháp này có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, các tế bào gốc có thể được lấy dễ dàng khi sinh, và thường với số lượng đủ cho một lần hiến tủy thành công, vì thế có thể tránh việc tiếp tục lấy tủy xương của người cho sau này. Sau khi được truyền, các tế bào gốc máu cuống rốn khỏe mạnh này sẽ phân chia và tái tạo trong máu của bệnh nhân để bổ sung các tế bào hồng cầu và lượng sắt bền vững. Phương pháp điều trị mới này cũng có ưu điểm lớn so với phương pháp cấy ghép tủy xương trước đây là mức độ nguy cơ thấp, làm giảm khả năng xảy ra các biến chứng bệnh “vật ghép chống ký chủ” (Graft-versus-host disease).
Như vậy, liệu pháp tế bào gốc hoàn toàn có thể mở ra một con đường mới, niềm hy vọng mới trong việc điều trị triệt để cho người mắc hội chứng tan máu bẩm sinh Thalassemia, một căn bệnh từng được cho là không thể chữa khỏi.
Ths. Nguyễn Trọng Phúc - Tổ tư vấn Tế bào gốc
Để nhận tư vấn trực tiếp từ Tổ tư vấn Tế bào gốc - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, mẹ hãy liên hệ:
Hotline: 0862046186
Fanpage Tổ tư vấn Tế bào gốc - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội: https://www.facebook.com/tebaogocpshn
Email: tebaogocpshn@gmail.com