Triệt sản hay đình sản là thuật ngữ đề cập đến bất kỳ các hình thức của những kỹ thuật y tế nhằm loại bỏ khả năng duy trì nòi giống của người bị triệt sản, đây là biện pháp tránh thai cho kết quả hầu như chắc chắn hoặc vĩnh viễn. Triệt sản nam là hình thức can thiệp bằng cách thắt ống dẫn tinh chặn đường đi của tinh trùng từ tinh hoàn ra túi tinh. Triệt sản nữ là hình thức can thiệp bằng cách thắt ống dẫn trứng nhằm chặn đường đi của trứng, không cho vào tử cung. Triệt sản là một biện pháp ngừa thai chủ yếu được tiến hành dựa trên sự tự nguyện.
Triệt sản nữ
Là một phương pháp làm tắc nghẽn ống dẫn trứng để ngăn tinh trùng và trứng gặp nhau, đây là một biện pháp ngừa thai vĩnh viễn, an toàn, thích hợp cho những phụ nữ trên 30 tuổi, có hai con sống khỏe mạnh, con nhỏ nhất trên 3 tuổi và không có nhu cầu có thêm con nữa. Hiện nay trong chương trình kế hoạch hóa gia đình nhằm hạ thấp tỉ lệ gia tăng dân số, biện pháp triệt sản nữ đã được thực hiện ở các tuyến dưới, ngay cả đến tuyến xã.
Sau khi triệt sản, các cặp vợ chồng không phải quan tâm đến việc tránh thai nữa, do đó tránh được nhiều mâu thuẩn vợ chồng, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình do vỡ kế hoạch gây ra, ngoài ra triệt sản có ưu điểm là không có tác dụng phụ và có rất ít nguy cơ. Lungen đã thực hiện trường hợp triệt sản đầu tiên năm 1880, sau khi mổ lấy thai ở Đức. Từ đó đến nay đã có rất nhiều kỹ thuật triệt sản đã được mô tả, từ cách thắt 2 vòi trứng đơn giản đến cắt một phần vòi trứng, cắt tận gốc vòi trứng, hoặc vùi một đầu cắt vào mặt sau tử cung hay vùi vào hai lá của dây chằng rộng, đến phương pháp cắt 2 loa vòi qua ngã âm đạo hay ngã bụng. Hiện nay, phương pháp triệt sản qua nội soi bằng cách đốt, kẹp cắt một đoạn của vòi trứng làm cho kỹ thuật thắt ống dẫn trứng càng trở nên đơn giản hơn.
Đối tượng nào được áp dụng phương pháp ngừa thai vĩnh viễn?
Quyết định triệt sản ngày nay hầu hết là tự nguyện, tuy nhiên về phương diện y khoa, chỉ định triệt sản nữ được chia thành 4 nhóm chính:
- Những bệnh nội khoa thực thụ:
Bệnh tim nặng mà thai nghén làm bệnh nặng thêm hoặc mất bù trừ. Ở những bệnh nhân này triệt sản là phương pháp tốt nhất, ngoài ra các bệnh lý khác như bệnh phổi mãn tính, bệnh mạch- thận và cao huyết áp nặng, bệnh thần kinh, tâm thần nặng, ung thư sinh dục nữ, ung thư vú hoặc mắc các bệnh lý về máu, bệnh về gen mà các cặp nam nữ mắc phải cho ra đời trẻ dị dạng là những trường hợp có chỉ định triệt sản để ngừa thai vĩnh viễn.
- Phẫu thuật sản phụ khoa:
Cần tư vấn triệt sản cho các đối tượng đã có tiền sử mổ lấy thai nhiều lần, mổ bóc nhân xơ tử cung, sa sinh dục …
- Về phương diện xã hội :
Phụ nữ sinh quá nhiều con mà điều kiện kinh tế xã hội lại thấp kém gây ra gánh nặng cho đời sống gia đình và ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
- Về phương diện dân số:
Phương pháp này áp dụng có tính chất bắt buộc tại những nước đang phát triển mà dân số quá cao làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn xã hội.
Thời điểm nào tốt nhất để thực hiện triệt sản?
Lúc mổ lấy thai là thời điểm thích hợp nhất, kế đó là thời kỳ hậu sản, tốt nhất nên thực hiện triệt sản trong 24- 36 giờ đầu, sau 6 giờ sau sinh, để giảm nguy cơ chảy máu và sản phụ có thì giờ nghỉ ngơi sau sinh, nhưng không nên để trể hơn 48 giờ. Nếu có ối vỡ sớm, sốt trong chuyển dạ, thủ thuật soát lòng tử cung và có những yếu tố nguy cơ nhiễm trùng thì nên trì hoãn việc triệt sản, có thể sau sinh 8 tuần.
Ở thời kỳ không mang thai, ngay sau sạch kinh là thời điểm tốt nhất để thực hiện thủ thuật. Như thế sẽ loại trừ triệt sản ở người có thai sớm.
Triệt sản nam là gì?
Triệt sản nam là một thủ thuật y khoa, trong đó đường ống dẫn tinh trùng từ tinh hoàn 2 bên được “khóa” lại, khiến tinh trùng không thể ra ngoài và từ đó giúp chủ động ngừa thai.
Triệt sản nam có khó không?
Không như những gì nam giới tưởng tượng, triệt sản nam chỉ là một tiểu phẫu đơn giản kéo dài khoảng 10 – 15 phút và có thể ra về ngay sau đó. Bác sĩ nam khoa sẽ mở một đường nhỏ khoảng 0.5-1cm ở mỗi bên bìu sau khi đã chích thuốc tê. Ống dẫn tinh sẽ được bộc lộ ra ngoài da và sau đó được “khóa” lại trong một nốt nhạc.
Triệt sản nam có đau không?
Trước khi thực hiện thủ thuật, nam giới sẽ được tiêm thuốc tê để không thấy đau và sau đó được hướng dẫn dùng thuốc kháng viêm giảm đau trong vài ngày. Hầu như nam giới có thể quay lại ngay với các sinh hoạt nhẹ nhàng hàng ngày sau đó.
Triệt sản nam có mất cân bằng giới tính không?
Nhiều nam giới lo lắng việc triệt sản sẽ khiến cho họ bị “nữ hóa”, tuy nhiên đây là suy nghĩ sai vì tinh hoàn vẫn còn đó và vẫn tiếp tục vai trò tiết Testosterone vào máu để duy trì đặc tính sinh lý nam. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tần suất quan hệ của nam giới sau triệt sản còn nhiều hơn do không còn lo lắng “thai ngoài ý muốn”. Ngoài ra, chị em phụ nữ cũng sẽ đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các anh.
Rủi ro nào sảy ra khi thắt ống dẫn tinh?
Không có trường hợp nào tử vong nào xảy ra do thực hiện thắt ống dẫn tinh. Các biến chứng của thắt ống dẫn tinh là rất hiếm, nếu có thường liên quan đến chảy máu hoặc nhiễm trùng tại vị trí triệt sản.
Không nhẹ nhàng như triệt sản nam, triệt sản nữ hay thắt ống dẫn trứng, một phẫu thuật triệt sản thường xuyên ở phụ nữ, có liên quan tới không ít hơn 20 ca tử vong mỗi năm tại Mỹ. Những trường hợp tử vong này xảy ra bởi biến chứng gây mê, tăng tỷ lệ mang thai ngoài tử cung và tử vong do thai ngoài tử cung vỡ…
Vòng tránh thai cũng chứa đựng nhiều nguy cơ như thủng tử cung, lạc chỗ, đau khi quan hệ….
Nếu muốn có con trở lại sau triệt sản thì sao?
Trước đây, triệt sản được xem là biện pháp ngừa thai vĩnh viễn. Tuy nhiên, với kĩ thuật vi phẫu phát triển thì việc thông nối lại ống dẫn tinh hiện nay đạt tỉ lệ thành công cao
Nguồn: Sản phụ khoa. ĐHYD:Nhà xuất bản y học, 2006
Thu Linh - Tổ Truyền thông