Ung thư cổ tử cung thực sự là một gánh nặng bệnh tật ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, tâm lý và xã hội đối với phụ nữ, tuy nhiên việc phòng bệnh lại không quá phức tạp và khó khăn nếu chị em phụ nữ có kiến thức và ý thức về cách phòng ngừa. Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả căn bệnh này, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Theo nghiên cứu thì ung thư cổ tử cung 80% là do nhiễm vi rút papilloma hay còn gọi là HPV. HPV (Human papillomavirus) là loại vi rút phổ biết gây nhiễm cho cả nam giới và phụ nữ. HPV có thể lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc da với da, lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm âm đạo, hậu môn và quan hệ tình dục bằng miệng. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ lây truyền HPV giữa nam và nữ qua giao hợp trung bình là 40%. Ở phụ nữ, nguy cơ nhiễm HPV trong 10 năm đầu tiên sau giao hợp là 25%, trong suốt cuộc đời có thể lên tới 80%. HPV không lây nhiễm qua việc ngồi lên bồn cầu hoặc chạm vào nắm cửa.
HPV lây truyền qua đường sinh dục khi giao hợp với người mang vi rút. Vi rút truyền qua các vết xước nhỏ li ti trên da chứ không truyền qua đường máu hoặc các chất dịch của cơ thể. Bao cao su chỉ bảo vệ được phần nào vì không bao bọc toàn bộ vùng da của bộ phận sinh dục. Phần lớn những người có hoạt động tình dục sẽ bị viêm nhiễm HPV bộ phận sinh dục vào một giai đoạn nào đó trong đời. Mặc dù cơ thể con người thường tự chữa khi bị nhiễm trùng và không có triệu chứng nào, nhưng cũng có khi có thể là nguyên nhân gây bệnh nặng, như là: • hầu hết tất cả các ca ung thư cổ tử cung • 90% số ca ung thư hậu môn • 65% số ca ung thư âm đạo • 60% số ca ung thư cuống họng (ung thư ở mặt sau cuống họng) • 50% số ca ung thư âm hộ • 35% số ca ung thư dương vật • hầu hết tất cả các ca bị bệnh mụn cóc ở bộ phận sinh dục
Hiện có hơn 40 chủng virus HPV có thể gây bệnh tại bộ phận sinh dục và hậu môn. Trong đó có 15 chủng HPV có nguy cơ cao (chủng 16 và chủng 18), có thể gây bệnh ung thư từ ung thư cổ tử cung đến hậu môn và các bộ phận sinh dục khác. Các chủng ít nguy hiểm hơn có thể gây ra mụn cóc ở bàn chân (đặc biệt là lòng bàn chân), mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Một số trường hợp, sau khi quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh vài tuần đến vài tháng mới mọc mụn.
Virus tồn tại suốt đời trong cơ thể người bệnh ngay cả khi người bệnh không có biểu hiện bệnh hay đã được điều trị triệu chứng bệnh. Thông thường, cơ thể sẽ tự chống lại virus trước khi các vấn đề sức khỏe có thể xảy ra. Nhưng nếu không chống lại được thì virus sẽ biến những tế bào bình thường thành bất thường gây ra ung thư cho người bệnh.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh – Phó trưởng khoa Khám Chuyên gia- hiện nay có những phương pháp để phòng chống lây nhiễm HPV như:
- Vacxin là cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay.
- Quan hệ tình dục an toàn cũng là một cách để phòng bệnh. Dùng bao cao su đúng cách có thể giảm nguy cơ bị nhiễm HPV. Tuy nhiên, HPV cũng có thể đi vào cơ quan sinh dục ở những vùng bao cao su không thể che được. Việc làm này có thể giảm nguy cơ bị bệnh nhưng không thể triệt để.
- Duy trì mối quan hệ một vợ-một chồng. Mối quan hệ lành mạnh và hạn chế tối đa bạn tình là cách phòng tránh HPV tốt.
Những đối tượng cần được tiêm vắc xin phòng chống HPV: Vacxin được tiêm cho người từ độ tuổi 11 đến 26 tuổi
- Đối với phụ nữ: Vacxin được tiêm cho bé gái từ 9-12 tuổi nhưng cũng có thể sử dụng cho phụ nữ 26 tuổi mà chưa tiêm vacxin lần nào hoặc chưa tiêm đủ liều vacxin khi còn nhỏ.
- Đối với đàn ông: Vacxin được tiêm cho bé trai từ 11-12 tuổi đồng thời cũng có thể sử dụng cho đàn ông 21 tuổi nếu chưa tiêm vacxin lần nào hoặc chưa tiêm đủ liều vacxin khi còn nhỏ. Vacxin cũng được đề nghị với nam giới 26 tuổi nếu có quan hệ đồng giới hoặc hệ miễn dịch kém.
Tuy nhiên theo BS Thanh vắc xin cũng có 1 số phản ứng phụ cần lưu ý: loại vắc xin HPV đã được sử dụng rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới trong nhiều năm trở lại đây và rất an toàn. Thế nhưng, cũng như nhiều loại vắc xin khác, chích ngừa HPV cũng có thể gây ra một số phản ứng dị ứng, tổn thương không mong muốn như:
- Đau, sưng, ngứa, đỏ tại vị trí tiêm
- Sốt nhẹ
- Đau đầu, hoa mắt, mệt mỏi
- Buồn nôn, nôn
- Tiêu chảy
- Ngất xỉu.
Các tác dụng phụ này rất hiếm khi xảy ra, nên các chuyên gia y tế khuyến cáo các chị em không nên quá lo lắng.
Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội triển khai tiêm phòng vắc xin ung thư cổ tử cung tại Khoa Khám Chuyên gia tầng 1 nhà B
Mọi nhu cầu xin liên hệ:
Khoa Khám Chuyên Gia
Tầng 1 nhà B - CS1 - 929 La Thành, Ba Đình, Hà Nội
Hotline: 1900.6922 bấm phím 1 - 3
Thu Linh - Tổ Truyền thông