Cấp cứu khẩn cấp

024 3834 3181

Trẻ đẻ non đối mặt với nguy cơ nào?

Trẻ đẻ non đối mặt với nguy cơ nào?

Đẻ non là trường hợp chuyển dạ đẻ xảy ra từ tuần 22 đến trước tuần 37 của thai kỳ.

Theo WHO, trẻ sinh non sẽ được chia theo 3 mức độ:

- Sinh non trung bình và sinh non muộn: Những em bé sinh ra trong khoảng giữa tuần thứ 32 và 37 – chiếm 84% tổng số trẻ sinh non (12.5 triệu). Phần lớn các em bé này sống được, một số có thể phải cần chăm sóc hỗ trợ của y tế.

- Rất non: Những em bé sinh giữa tuần thứ 28 và 32. Những em bé này cần nhiều chăm sóc hỗ trợ hơn và phần nhiều trong số chúng vẫn sẽ có thể sống sót. Nhưng em bé này bị nhiều biến chứng của đẻ non hơn nhóm trên như suy hô hấp, xuất huyết não, tổn thương mắt,...

- Cực non: Những em bé sinh trước tuần thứ 28. Những em bé này cần sự điều trị tích cực của hệ thống y tế để có thể sống được. Ở những nước phát triển, những em bé sinh cực non có 90% cơ hội sống sót dù chúng phải chịu những di chứng sau này. Ở những nước kém phát triển, cơ hội sống sót chỉ khoảng 10%. Tuổi thai càng bé, cơ hội sống sót càng thấp, đặc biệt nhóm trước 24 tuần tỷ lệ sống sót là rất thấp.

Bên cạnh đó, sinh non còn được chia làm hai loại:

- Sinh non do chuyển dạ sớm hoặc vỡ ối sớm.

- Sinh non do đình chỉ thai nghén bắt buộc vì các lý do y khoa hoặc sản khoa của bác sĩ. Thường xảy ra do sức khỏe của sản phụ không đảm bảo hoặc thai nhi gặp nguy hiểm như tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung,...

Các yếu tố nguy cơ của đẻ non tự nhiên: tiền sử sản khoa đẻ non, đa thai, ra máu âm đạo, nhiễm khuẩn, yếu tố gen.

Ngoài ra, còn có yếu tố xã hội như công việc nặng nhọc hoặc hoạt động thể chất quá sức, hút thuốc lá, sử dụng chất gây nghiện, mẹ gặp căng thẳng,...

Cũng theo WHO, mỗi năm có khoảng 15 triệu trẻ đẻ non ra đời. Như vậy, cứ 10 đứa trẻ đẻ ra trên thế giới lại có một trẻ đẻ non. Trên 1 triệu trẻ tử vong hàng năm có liên quan đến các biến chứng của đẻ non.

(*) Theo TS. BS. Đỗ Tuấn Đạt - Trưởng khoa Sản bệnh A4 - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội